Bảo vệ đàn vật nuôi
LSO-Để thúc đẩy phong trào chăn nuôi phát triển, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tràng Định luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành chức năng, các xã, thị trấn chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, nhất là khi xảy ra rét đậm, rét hại và giao mùa.
Cán bộ thú y xã Đề Thám, huyện Tràng Định tiêm phòng dịch cho đàn lợn |
Thời gian qua, phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện Tràng Định phát triển mạnh, rộng khắp tại nhiều xã như: Đại Đồng, Tri Phương, Trung Thành, Đề Thám… Người dân dần xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ để đầu tư phát triển mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung như: nuôi trâu, bò nhốt chuồng; nuôi vịt giống, vịt thịt và vịt đẻ…
Điển hình như phong trào chăn nuôi gia súc thương phẩm ở xã Tri Phương với tổng đàn hơn 1.000 con trâu, bò. Tuy nhiên, quy mô chủ yếu là nuôi bán chăn thả hộ gia đình từ 5 đến 30 con với điều kiện cơ sở vật chất, chuồng trại còn sơ sài. Do vậy, để phòng, chống đói, rét, dịch bệch cho đàn gia súc khi mùa đông đến hoặc lúc giao mùa như hiện nay, UBND xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ nguồn thức ăn, che chắn chuồng trại và tiêm phòng đúng lịch.
Ông Lê Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Xã vận động các hộ chăn nuôi chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ voi, dự trữ rơm khô và thức ăn tinh như: cám ngô, bột sắn. Đồng thời hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi như: đảm bảo chuồng trại khô ráo, sạch sẽ. Thực hiện tốt việc tiêm phòng nên nhiều năm qua, đàn trâu, bò không bị dịch bệnh, phát triển tốt.
Ông Bế Văn Quân, thôn Pá Lầu, xã Tri Phương cho biết: Gia đình tôi nuôi 10 con trâu, để phòng chống dịch bệnh cho đàn trâu, hằng năm, gia đình tôi luôn chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Qua đó, trong 5 năm trở lại đây, đàn trâu không bị dịch bệnh, phát triển tốt.
Hiện đàn trâu, bò toàn huyện khoảng 10.670 con, đàn lợn 25.460 con, đàn ngựa 750 con, dê – cừu 680 và đàn gia cầm 400.764 con. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thời gian qua, người dân đã chủ động hơn trong việc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay, thời tiết rất thất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, vận động người dân tích trữ thức ăn, vệ sinh chuồng trại và chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Ông Triệu Minh Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hằng năm, phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch bảo vệ đàn vật nuôi. Cùng đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong phòng phối hợp với cán bộ thú y từ huyện đến xã thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh, đồng thời, rà soát đàn gia súc để tiêm vắc-xin phòng dịch với phương châm phòng, chống tại hộ gia đình là chính. Trong năm 2017, toàn huyện tổ chức tiêm phòng tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho gần 8.000 con trâu, bò, đạt gần 90% kế hoạch; tiêm dịch tả lợn được trên 9.000 con, vượt 29% kế hoạch; tiêm phòng niu – cát – xơn cho gia cầm được trên 25.000 con… Qua đó, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không có dịch bệnh xảy ra.
Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện tổ chức tiêm phòng được 1/3 tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn. Trong đó, tập trung phòng một số bệnh nguy cơ cao như: lở mồm long móng ở trâu, bò; dịch tả lợn và niu – cát – xơn ở gia cầm.
Ngày 6/3/2018, UBND huyện Tràng Định đã ban hành quyết định thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt I/2018. Theo đó, huy động đông đảo nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ, đội phun thuốc tiêu độc, khử trùng, nòng cốt trong tham gia tiêm phòng vắc – xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, 50% số xã, thị trấn đã triển khai xong, hiện huyện đang tập trung chỉ đạo các xã vùng sâu đồng loạt thực hiện nhằm bảo vệ đàn vật nuôi cho người nông dân.
YÊN SƠN
Ý kiến ()