Bảo vệ công nhân trước tệ nạn xã hội
Hiện, cả nước có khoảng 17 triệu công nhân, trong đó hơn 60% làm việc tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Công nhân, lao động ở các khu, cụm công nghiệp, chủ yếu là thanh niên tuổi đời còn trẻ, là lao động phổ thông, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo, tác động bởi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Khi công nhân là "con mồi" của các loại tội phạm
Đa số vụ việc công nhân vi phạm pháp luật xảy ra trong thời gian qua đều do nhận thức pháp luật của một bộ phận người lao động còn hạn chế; bị "sập bẫy" việc nhẹ, lương cao; sống đua đòi, bị tác động bởi rượu, bia dẫn đến các cuộc ẩu đả, xô xát gây mất an ninh trật tự; hoặc trở thành con mồi béo bở của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy...
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an): Tất cả các loại hình tội phạm đang có ở ngoài xã hội thì trong các khu công nghiệp đều có. Nhất là sau đại dịch Covid-19, đời sống công nhân vốn khó khăn nay càng khó khăn hơn khi việc làm bị ảnh hưởng, thu nhập bấp bênh. Lợi dụng tình hình đó, các loại tội phạm về tín dụng đen, lừa đảo tuyển dụng trực tuyến tìm mọi cách để xâm nhập vào nhóm đối tượng này.
Nạn nhân của tội phạm công nghệ cao
Lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của người lao động, tín dụng đen tiếp tục có dấu hiệu hoạt động trở lại ở nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, gây mất an ninh trật tự, đe dọa sự an toàn của người lao động.
Tại buổi thông tin chuyên đề "Tình hình an ninh mạng và tội phạm công nghệ cao hiện nay" do Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó trưởng Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết: Trong tháng 4/2024, Cục A05 đã phối hợp Công an các tỉnh: Phú Yên, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang và Bến Tre triệt phá đường dây chuyên thu thập, sử dụng thông tin của cá nhân, trong đó có thông tin của nhiều công nhân, người lao động để mở tài khoản ngân hàng trực tuyến trái phép.
Các đối tượng đã thành lập Công ty TNHH tư vấn tài chính Nhung Nguyễn và Công ty TNHH tư vấn tài chính Minh Anh, với hàng chục chi nhánh hoạt động tại địa bàn các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Dưới "vỏ bọc" tư vấn, cho vay vốn tín chấp miễn phí, các đối tượng tiến hành thu thập thông tin của người dân, công nhân, người lao động như căn cước công dân, hình ảnh cá nhân, sau đó mở và sử dụng tài khoản trái phép.
Thượng tá Đỗ Minh Kim nhấn mạnh: Các thiết bị di động đang là mục tiêu hướng đến lớn nhất của xu hướng tấn công, chiếm đoạt thông tin, thu thập dữ liệu nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong đó, công nhân, người lao động luôn được các đối tượng lừa đảo "ưu tiên" nhắm đến. Đáng chú ý, 100% các hội nhóm công nhân trên không gian mạng đều có đối tượng lừa đảo "ẩn nấp", khai thác thông tin cá nhân chờ thời cơ lừa đảo.
Báo cáo "Vấn đề tín dụng đen trong công nhân, lao động-Thực trạng và giải pháp", do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiến hành nghiên cứu cho thấy: Có đến 54,8% người lao động phải đi vay tiền do điều kiện kinh tế khó khăn, trong đó 20,2% đã tiếp cận để vay tín dụng đen.
Đã có nhiều công nhân, người lao động là nạn nhân của tín dụng đen, phải vay tiền với lãi suất rất cao, thành con nợ không có khả năng thanh toán, bị hăm dọa, đánh đập. Có trường hợp công nhân bị ép phải giao cả thẻ ngân hàng cho các đối tượng cho vay, đến kỳ nhận lương, đối tượng sẽ đi cùng công nhân đến các cây ATM rút tiền.
Trước sức ép về nợ tín dụng đen, nhiều công nhân phải xin nghỉ việc, mất việc làm, thậm chí phải trở về quê nhằm trốn các đối tượng. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2019-2022, Bộ Công an đã đấu tranh phát hiện xử lý hơn 2.740 vụ việc liên quan tín dụng đen, với gần 5.000 đối tượng; đã khởi tố gần 2.000 vụ với gần 4.000 bị can, trong đó có hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân, người lao động.
"Mục tiêu" của tội phạm ma túy
Tại các tỉnh có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, thu hút hơn 65% người lao động nhập cư đến làm việc, sinh sống, nhiều khu trọ xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp, không bảo đảm an ninh trật tự, thiếu an toàn. Hằng ngày, người thuê trọ phải đối mặt với các tệ nạn trộm cắp, ma túy…
Ngoài lo sợ mất trộm tiền bạc, tài sản, ảnh hưởng bởi những cuộc xô xát, ẩu đả giữa các nam thanh niên, người ở trọ còn lo lắng trước nguy cơ khu trọ là nơi kẻ xấu trà trộn, ẩn náu và tiến hành các hoạt động lôi kéo, nhất là công nhân trẻ.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tình hình tổ chức, chứa chấp, lôi kéo người khác sử dụng ma túy trái phép hiện diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, công nhân tại các khu công nghiệp đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị lôi kéo, dụ dỗ, từ sử dụng trái phép đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.
Ngày 26/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với sáu đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trước đó, Công an huyện Lý Nhân phát hiện đối tượng Chu Đình Luân (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) là chủ thầu cốp-pha đã thuê công nhân là các đối tượng nghiện ma túy tổ chức ăn, ở tập trung tại lán trại trong một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Lý Nhân.
Tại Cơ quan điều tra, Luân khai nhận, do muốn đẩy nhanh tiến độ công trình, thuê nhân công giá rẻ nên đã cùng đồng bọn tìm, thuê các đối tượng nghiện ma túy ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, với mức lương từ 250.000 - 430.000 đồng/ngày công.
Thay vì trả tiền lương, Luân chỉ đạo đồng bọn tìm mua ma túy, chia nhỏ phát cho số công nhân nghiện vào buổi sáng và chiều mỗi ngày, với quy định mỗi một lần nhận ma túy tương đương 100.000 đồng, trừ vào tiền công.
Cuối tháng 6/2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phối hợp công an các địa phương tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các khu lán trại tập trung công nhân tỉnh ngoài đến làm việc.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp Công an phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long kiểm tra khu lán trại bán cây cảnh thuộc Tổ 13, Khu 4B, phường Hùng Thắng, phát hiện 3 đối tượng đang sử dụng trái phép chất ma túy.
Cùng thời điểm, tại Thái Nguyên, Công an phường Nam Tiến (thành phố Phổ Yên) tổ chức kiểm tra hành chính và test nhanh ma túy đối với 60 công nhân đang làm việc tại công trường Dự án xây dựng trụ sở làm việc khối cơ quan hành chính thành phố Phổ Yên, phát hiện một trường hợp dương tính với ma túy. Lực lượng công an đã tiến hành các thủ tục lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc đối với trường hợp này.
Công an phường Nam Tiến cho biết: Công nhân, lao động tại đây chủ yếu là người ở các tỉnh miền núi phía bắc. Quá trình sinh hoạt, làm việc, một số công nhân có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy, tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như quá trình thi công công trình trọng điểm của thành phố.
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, tại nhiều địa phương, tội phạm ma túy luôn tìm cách tiếp cận, tác động tới công nhân, người lao động, biến khu nhà trọ, cổng xí nghiệp thành nơi mua bán trái phép ma túy, "biến" công nhân, lao động trở thành người nghiện ma túy, tội phạm ma túy, gây hoang mang lo lắng cho không ít công nhân, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và an ninh trật tự ở cơ sở.
Tính đến ngày 14/12/2023, toàn quốc có 167.092 người nghiện ma túy, trong đó công nhân là 16.479 người (chiếm 10%); 38.311 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó công nhân là 2.144 người (chiếm 5% số người sử dụng trái phép chất ma túy), có 987 đối tượng vi phạm bị khởi tố là công nhân.
Ý kiến ()