Bảo vệ chim yến
Chăm sóc chim yến non ấp nở tại Công ty Yến sào Khánh Hòa.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cam Ranh (Khánh Hòa), thời gian gần đây, xuất hiện nhiều nhóm người ngang nhiên đến gần các khu vực nuôi chim yến của dân, tìm cách bẫy, bắt chim yến. Nhiều nhà nuôi, như nhà ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh bị mất chim yến với số lượng lớn, ước tính tới cả nghìn con.
Những nhóm người này dùng lưới tàng hình, sợi rất nhỏ, khó nhìn thấy, có diện tích khoảng 5 m x 5 m, quấn vào hai cọc tre căng dựng thẳng đứng. Họ dùng máy phát tiếng kêu của chim yến, kèm theo con chim yến mồi đứng giữa lưới… Nghe tiếng kêu và nhìn thấy chim mồi, chim yến ở nhiều phía lao tới, mắc vào lưới. Thời gian các đối tượng bắt chim khoảng từ 5 đến 7 giờ và 15 đến 17 giờ hằng ngày. Không chỉ ở Khánh Hòa, nhiều địa phương khác như Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh… cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Hiện nay, cả nước có 42 tỉnh, thành phố có nghề nuôi chim yến, với tổng số 8.548 nhà yến. Nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, cho người dân và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của Việt Nam là rất lớn.
Theo Công ước CITES, chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Việt Nam tham gia Công ước CITES năm 1994. Tại Việt Nam, chim yến được xếp vào nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành quy định bảo vệ chim yến. Quyết định 170/QĐ-UBND ngày 22-1-2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: “Nghiêm cấm các hành vi sau đây làm hủy hoại nguồn lợi yến sào, môi trường sinh thái nơi cư trú chim yến: Xâm phạm trái phép các đảo yến, hang yến, săn bắt chim yến…”.
Về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với loài ưu tiên bảo vệ, Bộ luật Hình sự sửa đổi các năm 2015, 2017, bổ sung một số tội danh mới quy định tại Điều 234 – Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã: săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB bị xử phạt từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
Pháp luật đã quy định rõ cả tội danh lẫn mức hình phạt đối với các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép chim yến. Tuy nhiên, nạn bẫy, bắt chim yến vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý, xử lý các hành vi vi phạm nói trên, các cơ quan chức năng cần sớm thành lập tổ chức hội bảo vệ chim yến, để nối rộng vòng tay bảo vệ loài chim quý này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()