Bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: Nỗ lực của Tràng Định
LSO - Huyện Tràng Định có trên 12.600 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 20,04% dân số, trong đó có 128 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 2.303 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Tràng Định đã chú trọng hơn đến đối tượng này.
Trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dạy tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Lạng Sơn
( Ảnh: BT)
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ
Trong 128 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), có 36 trẻ bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, 89 trẻ khuyết tật, 2 người chưa thành niên vi phạm phát luật và 1 trẻ bị nhiễm chất độc hóa học. Đã có 31 trẻ em bị bỏ rơi, trẻ không nơi nương tựa, 35 trẻ khuyết tật và 1 trẻ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách của nhà nước. Số còn lại được chăm sóc bằng các hình thức khác như quan tâm của cộng đồng, trợ giúp của các hội, tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 2.303 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 2.223 trẻ con hộ nghèo, 3 trẻ bị ngược đãi, bạo lực, 38 trẻ sống trong các gia đình có vấn đề xã hội, 13 trẻ sống trong gia đình có người vi phạm pháp luật và 12 trẻ không sống với bố mẹ từ 6 tháng trở lên. Nếu các đối tượng này không được quan tâm chu đáo rất dễ rơi vào nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, và như vậy gánh nặng về xã hội sẽ tăng lên. Xác định tăng cường các hoạt động trợ giúp, chăm sóc là một trong những giải pháp giảm thiểu nguy cơ trở thành trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, vừa bằng sự trợ giúp của nhà nước, cộng đồng và tổ chức, đến nay đã có 67,2% số trẻ trong nhóm này được chăm sóc.
ĐẢM BẢO CÁC QUYỀN CỦA TRẺ CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT
Với hệ thống trường lớp được mở rộng đến các thôn bản và cụm thôn bản, nhất là cấp học mầm non và tiểu học, đến hết năm học 2014-2015, toàn huyện đã có 55,6% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 52,8% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp về giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Thị Uyên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tràng Định cho biết: bằng nhiều hình thức như trợ giúp về quần áo, sách vở, miễn giảm học phí, phân công giáo viên phụ trách, vận động học sinh giúp đỡ… các nhà trường đều nhận học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật…) vào học hòa nhập. Với cuộc vận động “tiếp sức cho em tới trường”, phong trào “3 đủ”… các nhà trường đã nhận được sự giúp đỡ cụ thể về vật chất để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em con hộ nghèo được tới trường.
Song song với việc thực hiện cấp thẻ BHYT kịp thời cho trẻ dưới 6 tuổi, nâng cao tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm đủ 8 mũi vắc-xin phòng bệnh, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được cung cấp VitaminA, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận chăm sóc y tế đạt 70,6%, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc y tế đạt tỷ lệ 96,4%. Hằng năm, huyện tổ chức khảo sát, thống kê trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch và trẻ nghi ngờ bị tim bẩm sinh để có kế hoạch giúp đỡ chữa bệnh, phục hồi. Năm 2014 đã có 13 lượt trẻ khuyết tật được đi khám, phẫu thuật miễn phí. Việc chống phân biệt, kỳ thị tại cộng đồng dân cư, trường học…đã giúp nhiều trẻ tự tin, hòa nhập, phấn đấu học tốt, rèn luyện tốt.
DỰ PHÒNG NGUY CƠ TRẺ EM TRỞ THÀNH TRẺ CÓ HCĐB
Tuy tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đã được nâng lên, song vẫn ở mức khiêm tốn là 81,8%, trong đó mới có 52,3% số trẻ được hưởng chính sách của nhà nước. Bà Nông Thị Hoa, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Tràng Định nói rằng, thời gian qua, nhà nước đã rất cố gắng, cộng đồng cũng đã vào cuộc; song quan trọng hơn là “dự phòng nguy cơ” trẻ em trở thành trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Ở đây, vai trò của gia đình rất quan trọng. Trong các gia đình còn người vi phạm pháp luật, nghiện chích, còn bạo lực, còn tình trạng bỏ con ở nhà đi làm ăn xa thì nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn tiếp diễn. Ngành Lao động- Thương binh và Xã hội huyện đang tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư.
Bài: Trần Kim
Ý kiến ()