Bảo vệ các "thành trì" sản xuất
Việt Nam hiện có gần 400 khu công nghiệp (KCN), 700 cụm công nghiệp (CCN), 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển với tổng lao động trực tiếp khoảng 4,6 triệu người. Tại các “thành trì” sản xuất này, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Bảo đảm phòng, chống dịch (PCD) bệnh trong các KCN, CCN, cơ sở sản xuất (CSSX) không còn là khuyến cáo mà phải được nâng lên thành kỷ luật lao động. Nếu không, chuỗi sản xuất của nền kinh tế sẽ đứt gãy.
Thận trọng, từng bước mở lại sản xuất
Cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát tại các KCN ở Bắc Giang gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Tỉnh Bắc Giang đã phải tạm dừng hoạt động 4/5 KCN, trong đó, 340/344 doanh nghiệp trong các KCN dừng hoạt động, 172.000/174.000 công nhân ngừng việc; 10/30 CCN dừng hoạt động, trong đó, 127/242 doanh nghiệp trong các CCN dừng hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 5 đạt 14.757 tỷ đồng, giảm 40,9% so với tháng 4 và giảm 33,3% so với cùng kỳ năm 2020. Song, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch vừa sản xuất, UBND tỉnh Bắc Giang ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm thấp hoạt động trở lại. Tính đến hết ngày 31-5, đã có 10 doanh nghiệp (với hơn 4.000 lao động) trên địa bàn đủ điều kiện bảo đảm an toàn PCD Covid-19 trong sản xuất được hoạt động trở lại.
Hiện tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang vẫn đang có những diễn biến phức tạp, số ca bệnh ở mức cao, chủ yếu là công nhân làm việc tại các KCN. Với quyết tâm mau chóng dập được dịch, đưa công nhân trở lại sản xuất, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine trên địa bàn và đặt mục tiêu trước ngày 6-6 hoàn thành tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân để họ yên tâm quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, số lượng cần tiêm rất lớn nên tỉnh cần được hỗ trợ bổ sung thêm nhân viên y tế, điều dưỡng viên có kinh nghiệm tiêm phòng.
Về khôi phục sản xuất công nghiệp, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, sau khi đóng cửa 4 KCN, tỉnh đã thành lập 35 tổ công tác để tiến hành hướng dẫn, kiểm tra về điều kiện an toàn PCD Covid-19 trong sản xuất tại những doanh nghiệp thuộc các KCN trên địa bàn; qua đó xây dựng phương án để phôi phục sản xuất. Bắc Giang không có chủ trương mở lại đồng loạt các KCN mà sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp, từ đó xây dựng mô hình sản xuất an toàn, có thể sống chung với dịch lâu dài và từng bước nhân rộng, theo lộ trình chặt chẽ.
Các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đủ điều kiện quay trở lại hoạt động là những doanh nghiệp bảo đảm được chỗ ở cho công nhân ngay tại nơi làm việc; hoặc doanh nghiệp có khu ký túc xá riêng cho công nhân để tách biệt khỏi cộng đồng; nhà máy có xưởng sản xuất thông thoáng, công nhân làm việc theo phương thức giãn cách. Cùng với đó, công nhân phải qua hai lần xét nghiệm âm tính và lần gần nhất là trước khi quyết định sản xuất một ngày. “Có nghĩa là người công nhân phải thực hiện quy định “cách ly sản xuất”, không được tiếp xúc cộng đồng. Việc này bảo đảm người lao động có thu nhập, doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nhấn mạnh.
Tương tự Bắc Giang, Bắc Ninh là một trong những địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn nhất cả nước, trong đó có nhà máy của các tập đoàn tầm cỡ toàn cầu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.120 doanh nghiệp nằm trong 10 KCN tập trung và 26 CCN với khoảng 450.000 công nhân. Tình hình dịch bệnh ở Bắc Ninh đã cơ bản trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát còn rất cao, nhất là những trường hợp ca bệnh xuất hiện trong doanh nghiệp ở KCN, CCN. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đến nay đã có hơn 400 doanh nghiệp phải dừng sản xuất với khoảng 65.000 lao động buộc phải nghỉ làm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh rất đông, cao gấp 5 lần cả nước. Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại vô cùng lớn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó (giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất…) với dịch bệnh, phù hợp diễn biến từng giai đoạn, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Samsung Việt Nam, Bắc Ninh. Ảnh: NGUYỄN QUỲNH. |
Theo Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh Bùi Hoàng Mai: Bắt đầu từ hôm nay (2-6), để bảo đảm hoạt động và bảo đảm chống dịch hiệu quả, Bắc Ninh yêu cầu công nhân sẽ ăn, ở, làm việc trong nhà máy hoặc khu ăn, ở tập trung tách rời cộng đồng. Hiện nay đã có khoảng 500 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này và khoảng 200 doanh nghiệp đang tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các yêu cầu về PCD. Ban quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất quan trọng của dây chuyền sản xuất để duy trì và phân bổ tăng ca hợp lý, giảm số lượng công nhân làm việc. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng quyết định thành lập 40 tổ kiểm tra, hướng dẫn điều kiện an toàn PCD Covid-19 trong các KCN và các CSSX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổ trưởng và thành viên các tổ kiểm tra công tác PCD trong các KCN, CSSX là lãnh đạo và cán bộ các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
An toàn mới sản xuất
Trước tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công Thương tổ chức họp trực tuyến với 63 địa phương, quán triệt một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành công thương lúc này là tập trung cao cho PCD Covid-19 trong các cơ sở công nghiệp, nhất là các KCN, khu chế xuất và các khu hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn cả nước. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Việc tăng cường bảo đảm PCD Covid-19 tại các CSSX kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Nếu để tình trạng dịch bệnh lây lan phức tạp tại các CSSX kinh doanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa, gây hậu quả nặng nề đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
Song, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề đặt ra là việc phòng dịch ở Bắc Ninh trong thời điểm này có những yêu cầu khác so với tỉnh Bắc Giang. Ở Bắc Giang, dịch bệnh bùng phát trong các CSSX và KCN. Hiện nay, những khu vực này đang được khoanh vùng, dập dịch. Còn ở Bắc Ninh, dịch bùng phát ngoài cộng đồng, lan vào các KCN, khu chế xuất, nhưng phạm vi chưa lớn, mới chỉ ở cục bộ, một vài điểm. Vì vậy, giải pháp PCD của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là hoàn toàn khác nhau. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các cơ quan chức năng tại địa phương phải chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các CSSX kinh doanh trong KCN thực hiện nghiêm các quy định về PCD, nghiêm túc thực hiện 5K. Từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ. Nếu an toàn thì có thể sản xuất 100%, nếu không thật sự an toàn thì phải tìm phương án phù hợp theo tinh thần bảo đảm an toàn thì mới sản xuất.
Có thể thấy, mục tiêu cao nhất hiện nay trong PCD là phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời có biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm không để đứt gãy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tại các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất lớn. Đây là yếu tố then chốt để bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ. Trong Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 24-5-2021 về việc bảo đảm an toàn trong các KCN, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo tất cả các KCN, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định PCD, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn Covid-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không bảo đảm an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()