Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ trên không gian mạng
Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” đã thu hút sự tham gia của hươn 5.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên trên cả nước.
Những tác động xuyên biên giới của Internet và làm thế nào để vừa quảng bá văn hóa dân tộc vừa bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng là nội dung chính của hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ.”
Hội thảo diễn ra ngày 11/5, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp tổ chức với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức với điểm cầu trực tiếp tại Hà Nội kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đồng thời phát sóng trực tuyến trên tất cả các nền tảng số của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Theo ban tổ chức, của hơn 5.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham dự, theo dõi hội thảo ở các điều cầu trực tuyến trên cả nước.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những nỗ lực của Trung ương Đoàn Thanh niên và tuổi trẻ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực với nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá trong bối cảnh chuyển đổi số.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của chuyển đổi số, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá. Sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá xuyên quốc gia bên cạnh những điểm tích cực, cũng còn có những thách thức khi những giá trị không phù hợp với văn hoá Việt, thậm chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội để tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, từ đó dẫn đến “tự diễn biến, tự chuyển hoá.”
Theo đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh hội thảo là diễn đàn để trao đổi, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nhân trẻ, của cán bộ, đoàn viên, thanh niên; tạo kênh tham vấn chính sách, giúp cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương có thêm cái nhìn toàn diện về những vấn đề đặt ra đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay và vai trò, sứ mệnh của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ cao cả đó.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào ba nội dung chính. Thứ nhất là nhận diện tầm quan trọng, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ xuyên biên giới đối với sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến cũng chỉ rõ những tác động đến sự phát triển, định hướng nhân cách, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trong bối cảnh dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay.
Thứ hai là đề cập về thực trạng và giải pháp nhằm phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá tại Việt Nam phát triển, vươn tầm thế giới, tạo môi trường để bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng từ sớm, từ xa.
Thứ ba, các đại biểu cũng kiến nghị đề xuất các cơ chế kiểm soát đối với các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng để vừa đảm bảo cung cấp thông tin một cách chính xác, lành mạnh đồng thời tạo môi trường để các nền tảng, các sản phẩm văn hóa trên không gian mạng trong nước phát triển.
Bên cạnh các ý kiến tại hội thảo, ban tổ chức cho hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận của đại biểu. Các tham luận đã cho thấy những nghiên cứu kỹ lưỡng, với góc nhìn đa chiều, đề cập đến nhiều nội dung, trên nhiều khía cạnh, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn về chủ đề của hội thảo./.
Ý kiến ()