Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Mới đây, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí” với sự chứng kiến của gần 200 đại biểu tham dự hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.
Sự phối hợp giữa hai đơn vị một lần nữa thể hiện quyết tâm và hành động để ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số đang rất nhức nhối.
Thời gian qua, không chỉ riêng người làm báo mà bất cứ ai quan tâm đến nền báo chí nói chung đều có thể chỉ ra những nguyên nhân hàng đầu khiến các tác phẩm, sản phẩm báo chí bị sao chép dễ dàng, tràn lan trên internet. Đó là sự phát triển bùng nổ của các công cụ kỹ thuật số, nền tảng số, mạng xã hội…; nhu cầu và thị hiếu thông tin theo xu hướng nhiều, nhanh của độc giả; nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật của cả đối tượng vi phạm bản quyền lẫn tác giả… Song không phải ai cũng hình dung được tính nghiêm trọng và diễn biến ngày càng tinh vi của thực trạng vi phạm bản quyền báo chí trên môi trường số.
Theo Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Hồ Quang Lợi, việc vi phạm bản quyền gây thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần cho các đơn vị báo chí. Không chỉ uy tín của cá nhân và tập thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin không bản quyền, sai lệch, mà về khía cạnh kinh tế cũng tổn thất rất lớn. Dẫn số liệu thống kê sơ bộ của các ngành chức năng, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, Nguyễn Minh Đức cho biết, có ít nhất 2.000 trang web tổng hợp tin tức không có bản quyền, không cơ quan chủ quản, nhưng có tính năng đăng lại gần như ngay lập tức sau khi tin, bài gốc được xuất bản. Cộng thêm các mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube… ước tính tại Việt Nam doanh thu bất hợp pháp từ hoạt động vi phạm bản quyền báo chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Thực trạng diễn ra thời gian qua cho thấy, tốc độ và quy mô vi phạm bản quyền báo chí đang diễn ra ngày càng phức tạp đối với cả bài viết lẫn ảnh, ghi âm, video clip… Bất chấp trí tuệ và tâm huyết của tác giả, những nội dung nóng hoặc hình ảnh đẹp bị sao chép và phát hành lại mà không xin phép, không dẫn nguồn, thậm chí nghiêm trọng hơn là bị cắt ghép, bỏ logo hoặc chèn logo khác, dùng ứng dụng giọng đọc nhân tạo, lật ngược ảnh… nhằm phục vụ ý đồ riêng và “lách” các công cụ quét nội dung vi phạm bản quyền.
Để đấu tranh với những hành vi vi phạm bản quyền báo chí, về mặt luật pháp đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin cùng 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tuy nhiên, việc phân định quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hiện còn bị phân tán, chưa có sự thống nhất cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng; các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp chế tài xử phạt còn chưa đầy đủ, ở mức thấp, chưa rõ ràng và còn mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm cũng như bảo vệ bản quyền tác giả, tác phẩm báo chí. Bản thân phóng viên, nhà báo ở các cơ quan báo chí khác nhau đôi khi vì nể nang, ngại va chạm mà bỏ qua các tình huống bị đồng nghiệp tự ý trích dẫn hoặc sao chép…
Rõ ràng, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số là vấn đề cấp bách với mọi cơ quan báo chí, người làm báo. Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Hiển đề xuất cần cả “ba chân kiềng”: sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành theo hướng chỉ rõ trách nhiệm hơn và tăng mức xử phạt cao hơn; thay đổi tư duy, ý thức về bản quyền của cơ quan báo chí và cá nhân người làm báo; dùng các công nghệ “bảo vệ” để đối phó với công nghệ “ăn cắp” bản quyền. Về giải pháp công nghệ, đã có những ứng dụng mới và hiệu quả để cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm bản quyền báo chí, như: mã hóa bản quyền số, quét tự động phát hiện trùng lặp, mô hình tòa soạn hội tụ, trục bản quyền số quốc gia…
Hiện nay, các bộ công cụ số đã và đang được áp dụng tại nhiều cơ quan báo chí ở các quốc gia tiên tiến cùng sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan báo chí và công nghệ sẽ mang lại bước tiến mới trong bảo vệ bản quyền báo chí nói riêng, nội dung số nói chung. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, văn hóa cho nhà báo. Một động thái khác được đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, với việc sửa đổi Luật Báo chí, Cục đã tham mưu, đề xuất một nội dung quan trọng là hoạt động báo chí trên không gian số.
Hy vọng những đề xuất này sẽ đáp ứng sự phát triển của báo chí, nhất là có những giải pháp xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí trên môi trường số trong tình hình mới.
Nguồn:https://nhandan.vn/bao-ve-ban-quyen-bao-chi-tren-moi-truong-so-post774080.html
Ý kiến ()