Bảo vệ an toàn người lao động, phục hồi và phát triển sản xuất
Đợt dịch Covid – 19 lần thứ tư bùng phát nhanh, phạm vi lây lan rộng ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp, nhất là vùng “tâm dịch” như Bắc Giang, Bắc Ninh.
Hàng trăm nghìn lao động phải cách ly khiến bài toán bảo đảm nguồn nhân lực cho sản xuất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh ấy, các DN bắt buộc phải chủ động, tìm mọi cách bảo vệ sức khỏe công nhân, giữ an toàn ở mức cao nhất cho lực lượng này, nhằm phục hồi và phát triển sản xuất ngay trong khi dịch bệnh đang hoành hành.
Nỗ lực bám trụ sản xuất
Nằm ngay trong “tâm dịch”, các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chịu ảnh hưởng chưa từng thấy khi “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư đang diễn biến hết sức phức tạp tại các khu công nghiệp. Ðối với Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (ÐHB), đã có thời điểm hơn 100 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của công ty phải nghỉ giãn cách, dẫn đến nguy cơ không đủ nhân lực để vận hành nhà máy, duy trì sản xuất. Chủ tịch Công đoàn công ty Phạm Ngọc Thảo cho biết, rút kinh nghiệm từ tình huống đó, để chủ động ứng phó tình hình có nguy cơ căng thẳng hơn ba đợt trước, ngay khi dịch mới bùng phát, ÐHB đã quán triệt toàn bộ CBCNV tuân thủ nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế và các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch của địa phương. Công ty xuất cấp khẩu trang, nước rửa tay khô, nước muối súc miệng đầy đủ cho người lao động; chỉ đạo định kỳ phun khử khuẩn toàn bộ các đơn vị, nơi làm việc, các phương tiện ra vào xuất nhập hàng hóa,… Khi dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, từ ngày 21-5,
công ty chủ động chuẩn bị điều kiện ăn, nghỉ để triển khai phương án động viên người lao động lưu trú ngay tại công ty, bám trụ sản xuất. Gần đây nhất, công ty đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho tất cả CBCNV và kết quả sau hai lần đều âm tính. Ðặc biệt, trong hai ngày 29 và 30-5, công ty chủ động phối hợp với CDC Bắc Giang tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động. Nhờ đó, mặc dù nằm ngay trong tâm dịch, nhưng nhà máy vẫn duy trì sản xuất cao tải và kiểm soát tốt dịch bệnh, sức khỏe toàn bộ công nhân lao động được bảo đảm an toàn, không để lây lan ảnh hưởng đến sản xuất.
Ðể ứng phó diễn biến phức tạp của đợt dịch mới, đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị gấp rút triển khai các biện pháp cấp bách. Ngay từ đầu tháng 5, Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện quốc gia, các Trung tâm Ðiều độ hệ thống điện ở ba miền, Công ty Viễn thông điện lực và Công nghệ thông tin đã thực hiện phương án ăn, ở tập trung cho CBCNV trực vận hành. Ðối với các địa phương có ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, EVN yêu cầu CBCNV vận hành các nhà máy điện, trạm biến áp 500 kV, Trung tâm điều khiển xa ở tập trung ngay tại đơn vị sau ca trực. Ðồng thời, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của EVN cũng đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành nghiêm túc thực hiện các yêu cầu phòng dịch, tuyệt đối không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc ở mức cao nhất, hạn chế hoặc không đến bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh khác khi không cần thiết. Tại Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, với phương châm 4 tại chỗ, đầu tháng 5 vừa qua, PTC2 đã tổ chức cô lập lực lượng vận hành gần 100 người tại trực ban điều độ B02, các trạm biến áp 500 kV Ðà Nẵng, Dốc Sỏi, Thạnh Mỹ,… cho đến khi bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời chủ động bố trí một lực lượng sẵn sàng thay thế gồm 47 người.
Chăm lo sức khỏe người lao động
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe người lao động càng trở nên hết sức quan trọng và thiết thực đối với các DN. Ðể người lao động yên tâm công tác, bên cạnh chi phí 100 nghìn đồng/người hỗ trợ mua sắm vật tư phòng dịch, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động bị ảnh hưởng. Ðối với các trường hợp phải cách ly tập trung, Tổng công ty đài thọ 100% chi phí ăn ở; bị lây trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đơn vị hỗ trợ một triệu đồng/người; do nguyên nhân cá nhân, hỗ trợ 50% chi phí phải nộp. Trường hợp không may là bệnh nhân, Tổng công ty hỗ trợ năm triệu đồng/người cho đối tượng bị nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ và 2,5 triệu đồng/người với trường hợp do nguyên nhân cá nhân. Người lao động nghỉ việc để điều trị Covid – 19 vẫn được hưởng lương và chế độ ốm đau do Bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) Vũ Thượng Thư, Tisco đã lên nhiều phương án, kịch bản ứng phó từng tình huống cụ thể. Việc kiểm soát người ra vào công ty hoặc các phân xưởng sản xuất được thực hiện hết sức nghiêm ngặt với nhiều chốt kiểm tra thân nhiệt, phun khử khuẩn người và phương tiện để loại trừ tối đa nguy cơ lây nhiễm. Tùy diễn biến dịch, công ty cho phun khử khuẩn định kỳ tại các khu vực tập trung đông người như nhà ăn, nhà giao ca, khu văn phòng làm việc. Hiện Tisco đã bố trí nhân lực làm việc luân phiên, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa các CBCNV với nhau. Riêng bộ phận sản xuất được yêu cầu không ra khỏi nơi cư trú và tuyệt đối không tiếp xúc những người có yếu tố dịch tễ để tránh nguy cơ bị “tê liệt” hoạt động sản xuất do nhiễm Covid-19.
Trước diễn biến nhanh và nguy cơ cao của đợt dịch Covid-19 này, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch ở mức cao nhất, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho gần 100 nghìn lao động, giúp hoạt động sản xuất, khai thác than ổn định, thông suốt. Theo Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân, ngành than đã yêu cầu các đơn vị sản xuất thực hiện ngay các biện pháp cấp bách, tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch; tập trung xét nghiệm trên diện rộng ở những đơn vị có nhiều lao động ngoại tỉnh. Theo Giám đốc Công ty Than Mạo Khê – TKV Nguyễn Văn Tuân, công ty đứng chân ở thị xã Ðông Triều (Quảng Ninh), địa bàn giáp ranh nên dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, hơn 800 công nhân của đơn vị về quê nghỉ lễ, trong đó 14 công nhân đi, đến vùng có dịch. Công ty đã yêu cầu toàn bộ các công nhân này khai báo y tế đầy đủ; sàng lọc các trường hợp là F2, F3 và triển khai phân nhóm, tự cách ly để theo dõi, kiểm soát; phối hợp CDC Quảng Ninh và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Ðiển tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ hơn 3.700 người lao động. Cán bộ, người lao động được cấp phát và luôn đeo khẩu trang vải có chức năng kháng khuẩn và phòng bụi; các nhà ăn cũng trang bị tấm che và thực hiện giãn cách tối đa. Công ty cũng lên phương án dự phòng, bố trí một khu tập thể làm khu cách ly tập trung khi cần thiết. Thời điểm hiện tại, toàn bộ thợ mỏ của Mạo Khê đều an toàn, sản xuất, khai thác ổn định.
Ðại diện Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cho biết, hiện nay, lực lượng lao động của đơn vị với hơn 10 nghìn người, đang tỏa rộng trên nhiều công trình trọng điểm của đất nước. Với đặc thù của ngành lắp máy, người lao động thường xuyên phải tiếp xúc nhiều đối tượng như chủ đầu tư, các chuyên gia trong và ngoài nước,… cho nên tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh. Do đó, song song với việc hướng dẫn người lao động chủ động bảo vệ an toàn sức khỏe, các đơn vị cũng có nhiều phương án thiết thực chăm lo đời sống, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho công nhân. Các đơn vị của LILAMA đã linh hoạt “xoay tua” các đội thi công một cách hợp lý, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh bằng cách luân phiên để hạn chế nguy cơ. Bên cạnh đó, LILAMA đã đề xuất sớm được triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, kỹ sư, công nhân, nhất là tại các công trình, dự án đang triển khai nhằm tạo sự yên tâm trong công tác, góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Việc sớm được tiếp cận với các nguồn vắc-xin và triển khai tiêm phòng trên diện rộng cho người lao động cũng là mong muốn của cả cộng đồng doanh nghiệp vì đây chính là giải pháp căn cơ, lâu dài, là “chủ động tấn công” để bảo đảm sức khỏe, ổn định tư tưởng cho người lao động cũng như duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian dài.
Trong những ngày nắng như đổ lửa này, tại công trường trọng điểm dự án thành phần cao tốc bắc – nam (đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45), vẫn giữ vững nhịp độ thi công, bám sát các mốc tiến độ đề ra trước đó và bảo đảm chất lượng công trình. Theo Giám đốc Quản lý dự án Lương Văn Long, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, toàn bộ công trường đã lập tức triển khai các giải pháp mạnh, tuân thủ triệt để biện pháp, quy định về phòng, chống dịch, hạn chế tối đa họp hành, chuyển sang trao đổi công việc qua ứng dụng trên điện thoại hoặc họp trực tuyến. Mặt khác, công nhân lao động và kể cả cán bộ điều hành các gói thầu đều được động viên, khuyến cáo không về quê. Trong ba tuần trở lại đây, khoảng 1.000 công nhân lao động làm việc tại các gói thầu gần như không rời khỏi công trường, không tiếp xúc với người ngoài, bất chấp khó khăn gian khổ. Ðến thời điểm hiện tại, toàn công trường thi công được giữ an toàn tuyệt đối, chưa có trường hợp nào là F1, chỉ có hai trường hợp F2 là tư vấn giám sát gói thầu 12 và Ban điều hành gói thầu 14 và đã được cách ly kịp thời. Các nhà thầu thi công vẫn huy động tối đa máy móc, thiết bị, duy trì đủ nhân lực để tổ chức làm ba ca, phấn đấu hoàn thành vượt mốc tiến độ đề ra.
Chưa bao giờ sức khỏe người lao động lại trở thành tài sản quý giá đối với doanh nghiệp cũng như xã hội như hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai “Chiến lược vắc-xin” tổng thể, toàn diện, hiệu quả. Trong đó, trước hết ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu, các địa phương có nguy cơ cao và công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế có mật độ cao, dễ lây nhiễm… Việc nhanh chóng triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin này, nhất là tạo điều kiện cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp sớm tiếp cận vắc-xin sẽ hỗ trợ các DN hoạt động, sản xuất thuận lợi, an toàn, góp phần thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()