Bảo tồn và phát triển quýt vàng Bắc Sơn
LSO-Quả quýt vàng Bắc Sơn với mùi thơm thanh mát, hàm lượng đường vừa phải, múi quả căng mọng màu vàng sẫm, ít hạt, vị hơi chua đặc trưng, thương hiệu quýt vàng Bắc Sơn đã được khách hàng trong cả nước ưa chuộng từ nhiều năm nay. Tìm hiểu về các giải pháp để phát triển cây quýt vàng bền vững, nhóm phóng viên Báo Lạng Sơn đã có cuộc phỏng vấn những người có liên quan của huyện Bắc Sơn.
Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn:Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng quýt.
Để phát triển, nâng cao chất lượng cây quýt vàng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo cây quýt. Theo đó, ngay tại lễ đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Quýt vàng Bắc Sơn” diễn ra vào ngày 16/12/2017, UBND huyện sẽ ký kết hợp đồng chuyển giao khoa học kỹ thuật với một số viện nghiên cứu khoa học có giải pháp để quả quýt giảm bớt hạt trong múi, tăng độ ngọt, hướng tới nâng cao giá trị quả quýt vàng truyền thống của Bắc Sơn gắn với ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, công tác phối hợp nghiên cứu khoa học, đầu tư kỹ thuật để tạo ra giống quýt vàng sạch bệnh cũng đang được huyện tập trung triển khai nhằm phát triển, tăng diện tích cây quýt đạt trên 600 ha tại 9 xã vào năm 2020 cũng như bảo tồn nguồn gen quý của cây quýt vàng truyền thống.
Ông Nông Xuân Tỉnh, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Sơn:Tập trung phát triển cây quýt và các cây ăn quả có múi khác.
Xã Vũ Sơn có địa hình tự nhiên nhiều lân, lũng và đồi thấp, phù hợp với trồng cây ăn quả có múi, trong đó có cây quýt. Để chuyển đổi diện tích trồng cây hằng năm sang cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao hơn, xã tập trung tuyên truyền bà con chuyển đổi đất đai, hình thành các vườn quýt và cây ăn quả có múi khác, tạo ra vùng sản xuất cây ăn quả có quy mô lớn. Trong năm 2016, 2017, xã tổ chức vận động các hộ dân thực hiện chuyển đổi đất, tổ chức trồng, hình thành các vườn cây quýt và một số cây ăn quả khác với số lượng hơn 50 nghìn cây, tương đương với diện tích trên 20 ha, tập trung chủ yếu tại các thôn: Nà Qué, Hồng Sơn, Phúc Tiến. Tính đến tháng 12/2017, diện tích cây quýt và các cây có múi khác tại xã Vũ Sơn đã đạt hơn 52 ha, trong đó, cây quýt đã phát triển được hơn 32 ha và diện tích cho thu hoạch là 27 ha, sản lượng năm 2017 ước đạt 120 tấn.
Ông Hoàng Cao Vinh, thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng:Duy trì lân quýt gắn với khai thác du lịch vườn cây ăn quả sinh thái.
Năm 1990, nhận thấy khu vực lân Hang Hú có khí hậu và hệ sinh thái tự nhiên, đất đai tốt, gia đình tôi đã vào khai phá và bắt đầu trồng 200 cây quýt trong lân Hang Hú. Toàn bộ cây quýt cho thu hoạch tại lân Hang Hú đều được gây giống từ hạt, do vậy cây quýt cho thu hoạch ổn định, ít sâu bệnh, chất lượng quả cao, mẫu mã đẹp. Nhận thấy có tiềm năng phát triển, gia đình quyết định chuyển đổi, mở rộng diện tích đang trồng ngô trong lân sang trồng cây quýt vào những năm 2003, 2004. Hiện hai vườn quýt của gia đình ông tại lân Hang Hú đã đạt khoảng 600 cây. Từ năm 2017, nhằm tận dụng tối đa điều kiện địa hình sinh thái của Hang Hú, gia đình đã mở rộng đầu tư vừa duy trì phát triển lân quýt và biến vườn quýt trở thành điểm du lịch sinh thái vườn cây ăn quả với tên gọi “vườn quýt Hang Hú”. Để bảo đảm phát triển bền vững điểm du lịch sinh thái “vườn quýt Hang Hú”, gia đình sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với bảo vệ hệ sinh thái một cách tự nhiên, bền vững.
NHÓM PVKT
Ý kiến ()