Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt
Bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) Việt Nam là góp phần bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam và thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, cho nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc và năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)” và chủ trương phát triển văn hóa theo 3 hướng: Dân tộc – khoa học – đại chúng.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và DSVH của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển”.
Để phát huy được tốt những giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, cũng như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh các mặc công tác khác thì việc bảo tồn và phát triển DSVH là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa.
Làm gì để biến các giá trị DSVH thành ‘lực lượng vật chất’ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội?
Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia, để các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động bảo tồn DSVH, điều kiện tiên quyết đặt ra là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời phải tăng cường đầu tư nguồn lực, trong đó có nguồn đầu tư công (ngân sách Nhà nước) cho phát triển văn hóa và bảo tồn DSVH.
Ông Đặng Văn Bài cho rằng, cần nhận thức rõ, việc bảo tồn DSVH là nhiệm vụ then chốt của chiến lược phát triển văn hóa, trước hết vì hàm chứa các giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia dân tộc. DSVH có khả năng đóng góp to lớn cho yêu cầu xây dựng môi trường xã hội lành mạnh và có văn hóa (sự ổn định xã hội) là yếu tố quan trọng hàng đầu cho phát triển bền vững. Cũng có thể coi đây là “sức mạnh mềm” – thế mạnh của Việt Nam.
Bảo tồn DSVH là nhằm thực hiện chức năng giáo dục của văn hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng và vun đắp tư tưởng, đạo đức, lối sống nhân văn và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Bảo vệ DSVH tạo cơ sở khoa học nhằm cung cấp cho xã hội những dạng thông tin nguyên gốc, chân thực chứa đựng nguồn tri thức dân gian/bản địa, kinh nghiệm và bài học lịch sử có ích cho thế hệ hôm nay hiểu đúng về quá khứ, nhận thức đúng về hiện tại và định hướng tương đối chính xác cho xu thế phát triển của đất nước và cả nhân loại để có phương thức ứng xử phù hợp nhất, có lợi nhất cho quốc gia dân tộc.
DSVH được bảo tồn với tư cách là loại tài nguyên nhân văn quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp văn hóa có ưu thế là du lịch văn hóa/du lịch di sản. DSVH cùng với các dịch vụ du lịch có khả năng cung cấp cho xã hội những sản phẩm văn hóa/loại hàng hóa đặc biệt mang “giá trị kép” – thoả mãn nhu cầu hưởng thụ về tinh thần ngày càng cao của con người, đồng thời có thể bán cùng một lúc cho nhiều người, bán nhiều lần “giá trị trải nghiệm” văn hóa, tạo nguồn thu khá lớn đóng góp vào tổng thu quốc gia hằng năm. Mặt khác du lịch văn hóa/du lịch di sản còn tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương cư trú xung quanh DSVH và các điểm đến du lịch.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, câu hỏi lớn đặt ra là: Ngành DSVH phải làm gì để biến các giá trị DSVH vật thể và phi vật thể thành những “lực lượng vật chất” thực sự cần thiết cho công cuộc kiến thiết đất nước, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Phải coi đây là mục tiêu quan trọng cần đạt tới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bảo tồn DSVH.
Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia đề cập đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 12 định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó định hướng thứ 4 liên quan tới lĩnh vực phát triển văn hóa có ghi rõ “phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Nghị quyết quan trọng nói trên cho thấy, trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Từ đó suy ra, nòi giống “Lạc Hồng” với hai kênh di truyền sinh học và văn hóa phải được xem là một bộ phận cấu thành quan trọng vào bậc nhất trong kho tàng DSVH Việt Nam.
Đó là những giá trị văn hóa hết sức quý giá đã được hun đúc, kết tinh và lưu truyền qua hệ giá trị của từng cá nhân/con người cụ thể, mà đại diện tiêu biểu cho các giá trị quý giá đó được thể hiện qua tư tưởng, tấm gương sáng về đạo đức và sự nghiệp vẻ vang của các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước. Vì vậy Đảng ta luôn chủ trương kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò tổng hợp của toàn xã hội, của các đoàn thể xã hội, cộng đồng cư dân ở các địa phương, của gia đình, các dòng họ và nhà trường cho việc chăm lo xây dựng con người, tạo lập hệ giá trị văn hóa của từng cá nhân con người Việt Nam.
Đến lượt mình, hệ giá trị con người Việt Nam phải là cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hóa của quốc gia dân tộc. Theo đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Hệ giá trị văn hóa thể hiện rõ 7 đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù và sáng tạo.
Ông Đặng Văn Bài cho rằng, hoạt động bảo tồn DSVH Việt Nam có mục tiêu quan trọng là góp phần bảo vệ và phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam và thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Hoàn thiện thể chế, tăng cường đầu tư nguồn lực cho bảo tồn DSVH
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia, hoàn thiện thể chế và xây dựng chính sách đầu tư cho hoạt động bảo tồn DSVH là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho ngành di sản.
Đối tượng cần được ưu tiên bảo tồn chính là các giá trị văn hóa/yếu tố cốt lõi – yếu tố bất biến trong DSVH. Đối với cộng đồng quốc gia các dân tộc Việt Nam, yếu tố bất biến/tính vĩnh cửu bao giờ cũng là lợi ích cốt lõi của quốc gia: Độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước và phồn vinh hạnh phúc của toàn thể nhân dân.
Các giá trị văn hóa được tích hợp và “vật chất hóa” vào trong các loại hình DSVH: DSVH phi vật thể, DSVH vật thể (các di tích lịch sử-văn hóa), di sản tư liệu, các bộ sưu tập hiện vật gốc của bảo tàng (di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…).
DSVH còn được tiếp cận theo từng cấp độ từ thấp đến cao theo tuần tự: DSVH của gia đình-dòng họ, DSVH làng xã, di sản đô thị hay đô thị di sản, di sản ở cấp vĩ mô là lãnh thổ của một quốc gia dân tộc được cộng đồng các dân tộc cùng chung tay xây dựng và đồng lòng hy sinh máu xương, thậm chí cả tính mạng của mình để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ đó qua hàng ngàn năm lịch sử.
Tính đa dạng và phức hợp trong DSVH đòi hỏi phải xác định rõ các mục tiêu và đối tượng cần được ưu tiên bảo tồn, cũng như việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy và cơ chế chính sách đồng bộ cho các hoạt động bảo tồn DSVH.
PGS.TS Đặng Văn Bài cũng cho rằng, Luật DSVH cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu bảo tồn DSVH trong quá trình phát triển mới của đất nước.
Các DSVH có giá trị lịch sử và văn hóa đã được đặt dưới sự bảo hộ của Luật DSVH và các công ước của UNESCO mà Việt Nam đã tham gia. Trong số gần 40 ngàn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật DSVH có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.601 di tích quốc gia, trong đó có 123 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích của Việt Nam được UNESCO ghi danh là DSVH và thiên nhiên thế giới. Trong số gần 70.000 DSVH phi vật thể được kiểm kê có 433 di sản được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, 14 di sản được UNESCO ghi danh (13 DSVH vật thể đại diện của nhân loại và 1 DSVHphi vật thể trong danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp).
Trong số gần 4 triệu hiện vật đang lưu giữ trong các bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập và các bộ sưu tập tư nhân có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Từ năm 2015 đến 2022, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, đã có 131 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và 1.507 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Triển khai Luật DSVH, Chính phủ đã có quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 với mạng lưới gồm: Bảo tàng quốc gia; bảo tàng chuyên ngành; bảo tàng tỉnh, thành phố; bảo tàng đầu hệ và bảo tàng chi nhánh; bảo tàng tư nhân. Đến năm 2002, trên cả nước đã có 128 bảo tàng công lập, 66 bảo tàng ngoài công lập và hàng loạt các bộ sưu tập tư nhân chưa được thống kê đầy đủ.
Luật DSVH cho phép tư nhân/chủ sở hữu sưu tập hiện vật xây dựng bảo tàng ngoài công lập là một hình thức xã hội hóa các hoạt động bảo tàng. Hiện tượng tư nhân hiến tặng cổ vật cho các bảo tàng công lập hoặc phối hợp với bảo tàng công lập tổ chức các đợt triển lãm chuyên đề tạo cơ hội cho đông đảo công chúng tiếp cận và hưởng thụ các giá trị DSVH đã trở nên phổ biến. Cá biệt còn có các doanh nghiệp chủ động tham gia đấu giá “cổ vật ở nước ngoài và hồi hương trở lại Việt Nam cũng đáng được quan tâm”.
Mặt khác, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp, tôn tạo di tích, chương trình hỗ trợ bảo tồn DSVH với mục tiêu ưu tiên: Các di tích lịch sử, cách mạng, kháng chiến, các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu đang bị xuống cấp, các di tích sau khi tu bổ, tôn tạo có khả năng phát huy giá trị gắn với du lịch văn hóa, đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho các di tích ở vùng núi, biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa. Nhà nước đã đầu tư những khoản ngân sách khá lớn cho mục tiêu bảo tồn DSVH: Giai đoạn 2001-2005, đầu tư 518,35 tỷ đồng cho 533 di tích; giai đoạn 2006-2010, đầu tư 1.510,47 tỷ đồng cho 1.218 di tích; giai đoạn 2011-2018, đầu tư 245 tỷ đồng cho 471 di tích. Ngoài ra, phải kể tới hàng nghìn tỷ đồng được huy động từ sự tự nguyện đóng góp của cộng đồng cư dân các địa phương cũng như vốn hỗ trợ từ UNESCO.
Phải khẳng định, nhờ có sự nỗ lực chung của toàn xã hội theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa đã được tu bổ, tôn tạo để trở thành tài nguyên nhân văn có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của du lịch Việt Nam có những bước tiến mới. Công tác bảo tồn DSVH trên cả nước đã đóng góp vào thành tích chung của ngành du lịch Việt Nam. Chừng mực nào đó có thể nói, việc đầu tư cho bảo tồn DSVH đã tạo ra động lực thực sự cho phát triển du lịch.
Như vậy, theo PGS.TS Đặng Văn Bài, cùng với các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hóa, hoạt động bảo tồn DSVH cũng có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước trong hơn 30 năm Đổi mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn cách mạng mới, thực tế đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới hơn nữa nhằm phát huy cao độ năng lực tinh thần của con người Việt Nam cả về trí tuệ, đạo đức tâm hồn và khát vọng cống hiến góp phần đưa đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc. Do vậy, rất cần phải điều chỉnh và hoàn thiện Luật DSVH năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 để bảo tồn DSVH Việt Nam thực sự gắn kết với phát triển bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia, mục tiêu lớn của các chính sách cần được luật hóa là: Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quốc gia và quốc tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền chủ thể, quyền con người để cơ chế thị trường có thể vận hành có hiệu quả cao trong lĩnh vực văn hóa nói chung và bảo tồn DSVH nói riêng.
Có cách tiếp cận liên ngành và hệ thống để sửa đổi, bổ sung các điều luật có liên quan tới tất cả các lĩnh vực DSVH (DSVH phi vật thể, DSVH vật thể, di tích, bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu,…), tạo hành lang pháp lý rộng mở và cơ hội thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các nghệ nhân dân gian, các cộng đồng cư dân địa phương có sáng tạo trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng lớn của Việt Nam.
PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, muốn đạt được các mục tiêu lớn đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, cần thiết phải có các chính sách đồng bộ để nâng cao quyền thống nhất nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn DSVH theo hướng thực hiện phân cấp, phân quyền giữa cơ quan trung ương và cơ quan quản lý các cấp chính quyền tại địa phương, tạo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành thuộc Chính phủ và UBND các cấp; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý DSVH, đặc biệt là các chủ sở hữu (cộng đồng, cá nhân, dòng họ) về DSVH.
Tăng cường nguồn lực đầu tư ngân sách của Nhà nước tạo cú huých lớn trong các hoạt động bảo tồn DSVH là một chính sách cần được thực hiện theo các thứ tự ưu tiên. Trước hết là huy động các phương tiện thông tin đại chúng vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới DSVH, mở rộng chương trình giáo dục DSVH nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò của DSVH trong phát triển bền vững.
Thứ hai là đầu tư cho việc đào tạo nâng cao năng lực của các nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn DSVH (nghiên cứu, quản lý, nghiệp vụ và chủ thể thực hành văn hóa).
Thứ ba là đầu tư các chương trình, quy hoạch, dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa với tư cách là một thiết chế đa năng (thiết chế tôn giáo-tín ngưỡng, thiết chế văn hóa ở cơ sở, không gian văn hóa công cộng và sáng tạo, tài nguyên nhân văn – hạt nhân cho việc sáng tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn), các đề án bảo tồn DSVH phí vật thể, hỗ trợ các nghệ nhân thực hành DSVH phi vật thể ở các không gian (đô thị di sản, di sản văn hóa làng, di sản văn hóa gia đình-dòng họ) văn hóa ngay tại địa phương.
Thứ tư là đầu tư cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu DSVH bằng công nghệ số.
Thứ năm là đầu tư cho việc nâng cấp, chỉnh lý nội dung trưng bày của các bảo tàng đang hoạt động theo hướng khai thác thế mạnh của thiết bị kỹ thuật hiện đại và công nghệ số. Đồng thời có kế hoạch xây dựng các bảo tàng mới để hoàn chỉnh từng bước hệ thống mạng lưới bảo tàng trong cả nước.
Bên cạnh đó, có chính sách ưu tiên nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội (cá nhân, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp) tự nguyện phát huy sáng kiến, ý tưởng và đóng góp công sức, kinh phí cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, như: Chính sách về đất đai (cho bảo tàng ngoài công lập), chính sách về thuế cho các doanh nghiệp đóng góp tài chính cho việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa.
Cho phép thành lập các quỹ DSVH ở các địa phương (Huế là một trường hợp điển hình). Rất cần khuyến khích thể nghiệm hình thức “hợp tác công-tư” trong bảo tồn di tích, trong đó có sự tham gia của cơ quan quản lý, các nhà khoa học, cộng đồng cư dân địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có liên quan tới DSVH.
“Bảo tồn DSVH là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng pháp luật và chính sách bao giờ cũng là ‘bà đỡ’ kiến tạo cơ hội và định hướng cho các hoạt động đạt được chất lượng và hiệu quả cao nhất”, PGS.TS. Đặng Văn Bài nhấn mạnh.
Ý kiến ()