Thứ 4, 27/11/2024 01:44 [(GMT +7)]
Bảo tồn và phát triển cá cóc Mẫu Sơn: Cần giải pháp dài lâu
Thứ 6, 21/10/2011 | 11:06:00 [(GMT +7)] A A
Trong đó, việc bảo vệ sinh cảnh sống của loài cá cóc cần chú trọng công tác bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt là khu vực xung quanh các ao trong rừng thuộc địa bàn 2 xã Công Sơn và Mẫu Sơn; tăng cường phục hồi và phát triển sinh cảnh rừng tự nhiên, rừng trồng; ngăn chặn mọi hành vi khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác than....
LSO-Vùng Mẫu Sơn thuộc địa phận huyện Cao Lộc và Lộc Bình hiện vẫn còn một diện tích rừng thường xanh tốt ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ, sinh cảnh tự nhiên khiến vùng núi này trở thành nơi cư ngụ của các loài động vật, trong đó có loài cá cóc đặc hữu của Việt Nam – Tylototriton vietnamensis. Tuy nhiên, môi trường bị tàn phá, tình trạng săn bắt động vật hoang dã trái phép… đã và đang đe dọa tới sự tồn tại của loài cá cóc đặc hữu này.
Cá cóc Mẫu Sơn thuộc loài cá cóc đặc hữu của VN |
Tháng 8/2007, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nhận được 2 mẫu cá cóc do Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn gửi để giám định tên. Đây là các mẫu cá cóc thu tại Mẫu Sơn sau hơn 10 năm. Sau một thời gian nghiên cứu đánh giá thực trạng quần thể cá cóc Mẫu Sơn, các nhà khoa học xác định đây là loài cá cóc Tylototriton vietnamensis-loài cá cóc đặc hữu của Việt Nam và có giá trị cao về đa dạng sinh học.
Trong tự nhiên, cá cóc thường sống ở độ cao trung bình: 300-1500m; ở vũng nước có kích thước nhỏ, độ sâu khoảng 10-20cm có nhiều tảng đá hoặc hang hốc để trú ẩn, nhiệt độ nước khoảng 20,6 độ C; độ ẩm cao trên 90%… Song qua các chuyến khảo sát tại vùng Mẫu Sơn, các nhà khoa học chỉ ghi nhận được 2 vị trí phân bố loài cá cóc là ao Khuổi Cấp (ở độ cao 823m) và ao Ruông (độ cao 820m) với số lượng khiêm tốn – 52 cá thể.
Sở dĩ như vậy là tại vùng Mẫu Sơn, sinh cảnh rừng ở độ cao dưới 800m đã bị tác động mạnh do phát nương để canh tác nông nghiệp. Hầu hết các sườn núi đã bị phát trọc, ở khu vực xã Mẫu Sơn còn sót lại một số khoảnh rừng tái sinh sau nương rẫy; rừng cây lấy gỗ xen tre nứa và cây bụi cũng còn sót lại dọc các khe núi đá nhưng đây lại là nguồn cung cấp củi đun cho người dân địa phương. Các ao nhỏ dưới tán rừng khô kiệt đã làm mất đi sinh cảnh sống của cá cóc nên suốt thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học không ghi nhận được thông tin nào về quần thể cá cóc ngoài tự nhiên ở độ cao dưới 800m.
Còn ở độ cao trên 800m, sinh cảnh rừng ít bị tác động hơn do địa hình dốc và khá xa khu dân cư. Tuy nhiên, người dân vẫn khai thác để lấy gỗ làm sinh cảnh rừng bị suy thoái. Các ao trong rừng có nguy cơ bị cạn kiệt nước dẫn đến cá cóc mất nơi trú ẩn và sinh sản. Cho nên ở độ cao này chỉ ghi nhận được quần thể cá cóc tại 2 vị trí với số lượng không nhiều. Không chỉ bị đe dọa về môi trường sống, cá cóc tại vùng Mẫu Sơn đã và đang đối mặt với sự đe dọa từ hành vi săn bắt động vật hoang dã của con người.
Đã có thời điểm, người dân địa phương vô tư săn bắt động vật hoang dã để bán cho du khách trên đỉnh Mẫu Sơn. Và ngoài cá cóc, các loài rùa cũng chịu số phận tương tự. Trong khi đó, do số lượng cá thể ít, các quần thể lại phân bố ở các ao riêng biệt, mùa sinh sản ngắn (khoảng từ tháng 3- tháng 7) nên việc phục hồi và phát triển số lượng cá cóc gặp nhiều khó khăn.
Từ lâu, cá cóc được biết đến là nhóm động vật có ý nghĩa lớn về môi trường, có giá trị kinh tế và giá trị cao về mặt nghiên cứu khoa học: Chúng ăn côn trùng góp phần cân bằng sinh thái. Cá cóc được sử dụng để chữa bệnh trong các bài thuốc cổ truyền; được ưa chuộng làm cảnh nên có giá trị thương mại cao.
Đối với khoa học, chúng là mô hình tốt để nghiên cứu sự phát triển, tiến hóa của động vật, nghiên cứu gen quái thai… Với những giá trị to lớn đó và trước thực trạng loài cá cóc đang bị đe dọa như hiện nay, một yêu cầu cấp thiết đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển loài cá này.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lưu Đàm Cư, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu nhân nuôi và phát triển loài cá cóc đặc hữu này. Khi nhân nuôi sinh sản thành công, một số lượng cá cóc sẽ được chuyển về thả lại vào môi trường tự nhiên của vùng Mẫu Sơn nhằm phục hồi và phát triển số lượng cá cóc ở đây.
Một trong những giải pháp lâu dài được đưa ra để bảo tồn giá trị sinh học hiện có nói chung của vùng núi Mẫu Sơn và của loài cá cóc đặc hữu này nói riêng đó là cần xây dựng đề án để tìm kiếm nguồn đầu tư cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các loài quý hiếm, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn tài nguyên rừng.
Trong đó, việc bảo vệ sinh cảnh sống của loài cá cóc cần chú trọng công tác bảo vệ rừng tự nhiên, đặc biệt là khu vực xung quanh các ao trong rừng thuộc địa bàn 2 xã Công Sơn và Mẫu Sơn; tăng cường phục hồi và phát triển sinh cảnh rừng tự nhiên, rừng trồng; ngăn chặn mọi hành vi khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác than….
Bảo Vy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()