Bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc trong thời kỳ hội nhập
LSO-Văn hoá dân tộc được coi là cội nguồn di sản văn hoá. Trải qua nhiều thập kỷ, kho tàng văn hoá các dân tộc trong tỉnh ngày càng được xây dựng trên nền tảng phát triển của đời sống xã hội. Văn hoá dân tộc luôn bao chùm lên toàn bộ đời sống sinh hoạt của đồng bào nhân dân các dân tộc; từ phong tục, lễ hội, trang phục và đời sống văn hoá văn nghệ.
Trình diễn nghề dệt vải thủ công nhân Ngày Văn hoá các Dân tộc Việt Nam 19/4/2017 |
Lạng Sơn là một vùng đất có bề dầy lịch sử, văn hoá lâu đời. Chính vì thế, văn hoá dân tộc của tỉnh ta khá phong phú với các làn điệu như: hát then, hát ví (của dân tộc Tày – Nùng), hát sli của dân tộc Nùng Phản sình, hát sắng cọ của dân tộc Sán Chỉ, hát páo dung của dân tộc Dao… Đối với lễ hội, trên địa bàn tỉnh có trên 300 lễ hội lớn nhỏ, 600 di tích các loại. Do ảnh hưởng chiến tranh, trong nhiều thập kỷ qua, lễ hội xứ Lạng có phần bị chìm lắng; số lễ hội duy trì đều đặn giảm.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong 10 năm qua, công tác bảo tồn phục dựng lễ hội đã từng bước được coi trọng. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh duy trì trên 240 lễ hội lớn nhỏ; trong đó lễ hội lồng tồng (dân gian) chiếm đến 90%. Từ năm 2010 trở lại đây, ngành văn hóa – thể thao và du lịch (VHTTDL) tỉnh có nhiều hoạt động khai thác và đưa văn hóa lễ hội lên tầm cao mới. Một số lễ hội đặc sắc của các vùng được ngành VHTTDL dầy công phục dựng mang đậm nét lịch sử văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh như: lễ hội Đồng Đăng, lễ hội chùa Bắc Nga (huyện Cao Lộc); lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ, lễ hội chùa Tiên (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Ná Nhèm, lễ hội Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bủng Kham, lễ hội Báo Slao (huyện Tràng Định); lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia); lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng)… Trong số những lễ hội trên, đã có 5 lễ hội được ngành chức năng lập hồ sơ và được Bộ VHTTDL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Trong lễ hội, ngoài các nghi thức, nghi lễ thờ cúng thành hoàng và các vị thần thánh gắn với tích của lễ hội, còn có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như: múa sư tử, múa võ dân tộc, trò chơi ném còn, đánh đu, đánh yến, cờ người, đi cà kheo. Về văn nghệ, trên cơ sở lễ hội của từng vùng, đồng bào dân tộc tổ chức hát dân ca, dân vũ với các làn điệu như: hát then, hát sli, hát lượn giao duyên… Mỗi dân tộc rực rỡ một sắc phục đã tạo nên bức tranh tổng hợp về đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc khá sinh động.
Trong 5 năm trở lại đây, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của văn hoá dân tộc ngày càng được coi trọng. Thông qua công tác truyền dạy, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh có thêm hàng trăm người biết hát then, đàn tính và hát các làn điệu dân ca dân vũ. Tại xã Hải Yến (Cao Lộc), công tác tuyên truyền vận động học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở duy trì mặc đồng phục dân tộc Nùng đến trường; tổ chức thi múa sư tử trở thành nội dung ngoại khoá đã thu hút đông đảo học sinh tham gia. Tại thôn Sơn Hồng (Gia Cát, Cao Lộc) một số hộ gia đình duy trì nghề đan lát, dệt vải thủ công…
Nhằm khơi dậy bảo tồn văn hoá dân tộc, hằng năm, từ cấp tỉnh đến cấp xã, thị trấn tổ chức hàng chục cuộc thi với chủ đề hát dân ca, thu hút hàng trăm lượt người tham dự. Trong công tác bảo tồn, tỉnh đã tranh thủ nguồn vốn của Bộ VHTTDL tiến hành phục dựng thành công 11 dự án lễ hội tiêu biểu và triển khai gần 30 dự án nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Nhằm phát huy tốt lĩnh vực văn hoá dân tộc, hằng năm, tỉnh tổ chức gặp mặt những nghệ nhân, những người làm nghệ thuật văn hoá tiêu biểu, những người lưu giữ “linh hồn đời sống văn hoá“ để tôn vinh cổ vũ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về truyền thống văn hoá lịch sử các dân tộc. Qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
MINH TRANG
Ý kiến ()