Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm: Cần nhiều giải pháp tổng thể
Muốn bảo tồn và phát triển Nghệ thuật làm gốm của người Chăm cần có nhiều giải pháp tổng thể để tháo gỡ, tạo động lực cho người Chăm yên tâm gắn bó với nghề.
Vui mà vẫn lo
Những ngày này, làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nhộn nhịp hơn bởi đông đảo du khách ghé thăm, cùng nhiều hoạt động chào mừng Lễ đón bằng ghi danh của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đối với Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và khai mạc Lễ hội nho-vang Ninh Thuận năm 2023. Trong niềm vui chung đó, bà Đàng Thị Hằng dù ở tuổi 73 nhưng vẫn miệt mài làm gốm. Bà kể với chúng tôi: “Năm 18 tuổi, tôi được mẹ truyền dạy làm gốm. Nghề này vất vả, phải kiên trì và yêu nghề mới làm được. Được UNESCO ghi danh, tôi vui lắm và mong sao nghề gốm được giữ mãi”.
Gốm Bàu Trúc độc đáo ở chỗ người thợ không dùng bàn xoay, thể hiện sự sáng tạo của người phụ nữ Chăm. Vì vậy, mỗi sản phẩm được tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật độc bản mang dấu ấn của từng nghệ nhân. Số liệu thống kê của UBND huyện Ninh Phước cho thấy, hiện làng gốm Bàu Trúc có khoảng 1.141 hộ; trong đó có gần 200 hộ làm gốm. Trước đây, nghề gốm được truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành và mẹ truyền con gái nối. Thời gian gần đây, thị trường ưa chuộng những sản phẩm gốm có kích thước lớn nên trong làng gốm Bàu Trúc có thêm nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề, làm sản phẩm. Tuy nhiên, thu nhập trung bình mỗi người dao động khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, có thời điểm cao thì từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng. Do vậy, bên cạnh làm gốm, họ phải làm thêm nghề nông, chăn nuôi hoặc làm thuê mới đủ trang trải cuộc sống.
Gốm Bàu Trúc được du khách quan tâm, tìm hiểu. Ảnh: MINH HƯỚNG |
Tương tự, ở làng gốm Bình Đức, xã Phan Hiệp (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), năm 2018 có 155 nghệ nhân, người hành nghề có uy tín và nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành nghề gốm của người Chăm. Đến năm 2021, làng Bình Đức chỉ còn 40 hộ gia đình (khoảng 11% số hộ người Chăm) với 44 nghệ nhân thường xuyên duy trì nghề gốm. Như vậy, số lượng nghệ nhân đang làm nghề gốm tại Bình Đức ngày càng giảm do thế hệ trẻ không mặn mà, người làm nghề thì thu nhập bấp bênh.
Tăng cường các giải pháp bảo tồn
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đã mở ra cơ hội lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Nhiều năm qua, nghề gốm của người Chăm được chính quyền, cộng đồng quan tâm, đầu tư kinh phí, tạo mọi điều kiện bằng cách tổ chức không gian thực hành nghề, giao lưu, quảng bá, truyền dạy, khuyến khích cộng đồng sử dụng sản phẩm. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã ban hành nhiều văn bản pháp lý hỗ trợ làng nghề, mở lớp truyền dạy nghề cho nhiều học viên. Nhưng gốm Chăm vẫn đứng trước những khó khăn và thách thức khi số gia đình làm gốm đã giảm đáng kể. Năm 2020 và 2021, nhiều nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc lần lượt qua đời khi mong muốn truyền nghề cho các con cháu nhiều hơn nữa vẫn dang dở”.
Với làng gốm Bình Đức, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Bắc Bình triển khai thực hiện việc bảo tồn nguyên vẹn phương thức, kỹ thuật, nguyên liệu làm gốm truyền thống có từ lâu đời của người Chăm làng Bình Đức; phấn đấu tăng tỷ lệ số hộ gia đình duy trì nghề gốm lên hơn 15% và số nghệ nhân lên 16% vào năm 2030. Bên cạnh đó, UBND huyện Bắc Bình triển khai quy hoạch, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường làng gốm xanh, sạch, đẹp; chọn địa điểm có diện tích và không gian phù hợp tại làng Bình Đức để đầu tư xây dựng nhà trưng bày sản phẩm gốm Chăm…
Theo các chuyên gia, muốn bảo vệ và phát huy gốm Chăm thì các cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức quản lý, điều hành, có chính sách bảo trợ, đầu tư kinh phí đúng mức, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm; động viên, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia, làm cho nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là trách nhiệm chung của cộng đồng. Nhiều người tâm huyết cũng đề xuất các cấp chính quyền phải quan tâm đúng mức, tạo việc làm lâu dài, giúp đỡ người Chăm tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định sinh kế, góp phần giải quyết được nguồn lao động dư thừa ở địa phương.
Ông Châu Văn Huynh, Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm và lưu trữ, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận đề xuất cách làm cụ thể với làng gốm Bàu Trúc, đó là: Quy hoạch vùng nguyên liệu (đất sét, cát, nước) để chủ động cung ứng thường xuyên trong sản xuất; quy hoạch điểm nung gốm ở ngoài khu dân cư, không làm ảnh hưởng đến môi trường trong cộng đồng, thị trường; quy hoạch, bảo tồn và phát triển gốm thích ứng với cơ chế trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa; không nên đưa quy trình sản xuất gốm theo dây chuyền hiện đại và chuyên môn hóa vào vì sẽ làm mất giá trị nghệ thuật làm gốm cổ truyền.
“Cần tổ chức sản xuất gốm đồng bộ, củng cố hoạt động của hợp tác xã, từ đó Nhà nước mới quản lý có hiệu quả và huy động được tối đa nguồn lực của cộng đồng để phát triển, nhằm chống bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Cần thành lập bảo tàng gốm Chăm kết hợp với lễ hội truyền thống của tộc người ở địa phương để hình thành điểm đến cho tour du lịch, phục vụ khách tham quan, du lịch và nghiên cứu. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục sâu rộng quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người ý thức được giá trị nghệ thuật nghề làm gốm, từ đó họ sẽ tự nguyện giữ gìn và bảo tồn”, ông Châu Văn Huynh bày tỏ.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-nghe-thuat-lam-gom-cua-nguoi-cham-can-nhieu-giai-phap-tong-the-731685
Ý kiến ()