Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố
LSO- Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách về bảo tồn, quản lý, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, UBND thành phố Lạng Sơn đã và đang xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo đối với di tích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, du lịch trên địa bàn.
Hiện, trên địa bàn thành phố có 109 di tích, cơ sở thờ tự tín ngưỡng; trong đó: 13 di tích được xếp hạng quốc gia, 7 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, 89 di tích trong danh mục kiểm kê. Đáng chú ý, gần 50% di tích được xếp hạng đã được khoanh vùng và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thời gian qua, công tác quản lý di tích trên địa bàn luôn có sự quan tâm của các sở, ban, ngành, cấp ủy và chính quyền thành phố, tạo điều kiện cho các di tích (đình, đền, chùa) hoạt động đi vào nề nếp, có hiệu quả. Hằng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin kiểm tra, đánh giá, thống kê lại các tài sản trong di tích theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); tăng cường trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hoá theo đúng quy định.
Đoàn công tác của UBND thành phố khảo sát hiện trạng suối Ngọc Tuyền (động Nhị Thanh)
Đặc biệt, công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về bảo vệ, phát huy các giá trị di tích trên địa bàn cũng được thành phố chú trọng. Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND thành phố đã tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền cho 200 thành viên là những người trong ban quản lý các di tích trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền lồng ghép tới các tầng lớp nhân dân qua các cuộc họp phường, xã, tại các khu dân cư; phát 5.000 tờ rơi cho khách du lịch thông qua hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Dự kiến trong tháng 9/2018, UBND thành phố sẽ tổ chức phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về di sản văn hóa thành phố Lạng Sơn”.
Đến nay, hầu hết các di tích trên địa bàn đều lưu giữ giá trị truyền thống đảm bảo mỹ quan, an toàn cho nhân dân sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo; một số di tích xuống cấp đã và đang được Ban quản lý di tích và nhân dân xây dựng, tu bổ kịp thời như: đền Cửa Bắc, đền Cửa Nam (phường Chi Lăng), đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại)… Từ năm 2017 đến nay, UBND thành phố đã và đang xây dựng, tôn tạo được 10 di tích với kinh phí từ nguồn ngân sách và xã hội hóa khoảng 30 tỷ đồng. Gắn liền với các di tích, mỗi năm, thành phố có 10 lễ hội truyền thống. Do được quan tâm chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chặt chẽ nên những năm gần đây, hoạt động lễ hội dần đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các dự án tu bổ, tôn tạo di tích của thành phố hiện nay còn chậm vì nhiều lý do như: nhiều di tích bị xâm hại, lấn chiếm, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và quỹ đất tái định cư cho người dân. Mặt khác kinh phí dành cho các dự án còn hạn chế, trong khi để xây dựng, trùng tu các di tích cần nguồn tài chính rất lớn.
Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án, đề án tu bổ, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch như: xây dựng Đề án cải tạo, tu bổ khu danh thắng Nhị – Tam Thanh – thành Nhà Mạc; phục dựng di tích đình Pác Moòng;… Đồng thời, phòng tiếp tục tăng cường quản lý di tích và tổ chức lễ hội; xúc tiến xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hoá tâm linh.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()