Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa: Biến di sản thành tài sản
(LSO) – Lạng Sơn là vùng đất có hệ thống di sản văn hóa (DSVH) đặc sắc với 8 DSVH phi vật thể Quốc gia và 128 di tích được xếp hạng. Để biến di sản thành tài sản, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, vừa bảo tồn DSVH vừa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Nỗ lực bảo tồn
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, ngày 31/8/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 25 – NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Căn cứ mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nghị quyết đề ra, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Trước tiên, các cấp, ngành đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, các cấp ngành đã tổ chức 23 đợt trưng bày, triển lãm về DSVH; biên tập, đăng tải 5.000 tin, bài, phóng sự phản ánh về các hoạt động văn hóa, nội dung, ý nghĩa và kết quả thực hiện Nghị quyết số 25; tổ chức 17 hội thảo, hội nghị công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị DSVH…
Nhân dân và du khách tham quan gian trưng bày ẩm thực của người dân tộc Dao tại Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2020
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội DSVH tỉnh cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về DSVH cho Nhân dân với các hoạt động cụ thể như: nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản ấn phẩm về các công trình nghiên cứu, tài liệu quảng bá DSVH Lạng Sơn; trình diễn các loại hình DSVH phi vật thể; tham mưu cho ngành chức năng các biện pháp giữ gìn và phát huy DSVH. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, hội đã tổ chức, tham gia tổ chức 3 hội thảo khoa học về DSVH.
Cùng với đó, các cấp, ngành đã quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đặc thù mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa cũng như tu bổ, phục hồi, khoanh vùng, bảo vệ di tích với tổng kinh phí đầu tư từ năm 2016 đến nay đạt trên 261 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có 79 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi; 6 điểm, khu di tích được quy hoạch, 78 điểm, khu di tích được khoanh vùng bảo vệ…
Bà Nông Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn thành phố đã có 21 di tích được đầu tư, tu bổ chống xuống cấp với tổng kinh phí trên 162 tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa . Đặc biệt, thành phố đã và đang tập trung phát triển Phố đi bộ Kỳ Lừa vào tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần. Mong rằng thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm đầu tư mới các công trình văn hóa, các khu vui chơi, xem xét xây dựng Trung tâm sinh hoạt văn hóa Thực hành Then tỉnh Lạng Sơn để trở thành nơi gìn giữ, phát triển thực hành then, cũng là điểm đến du lịch cho Nhân dân và du khách.
Song song với công tác tôn tạo, bảo tồn các DSVH vật thể, việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn các DSVH phi vật thể được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã và đang tiến hành triển khai thực hiện 11 dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình DSVH phi vật thể (9 dự án, 2 đề án), tiêu biểu là các loại hình như: lễ hội, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian… với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, kinh phí xã hội hóa dành cho hoạt động thường xuyên tại các di tích, lễ hội và các hoạt động khác trên địa bàn tỉnh trung bình ước đạt 60 tỷ đồng/năm. Qua đó, các loại hình DSVH phi vật thể tiếp tục được bảo lưu, trao truyền và phát huy giá trị.
Gắn với phát triển du lịch
Những năm qua, việc bảo tồn phát huy giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, chú trọng. Trước tiên, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và các huyện, thành phố đã xây dựng đề án phát triển du lịch, trong đó quan tâm khai thác các trị DSVH. Đến nay, ngoài đề án phát triển du lịch chung của tỉnh đã có 4/11 huyện, thành phố hoàn thành đề án phát triển du lịch riêng (Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và thành phố Lạng Sơn) và 3/11 huyện, thành phố đang triển khai lập đề án (Chi Lăng, Lộc Bình, Tràng Định).
Nhân dân và du khách chơi trò lảy cỏ tại Liên hoan du lịch Mẫu Sơn năm 2020
Để khai thác giá trị DSVH gắn với phát triển du lịch, việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, giá trị, tiềm năng, thế mạnh về DSVH trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương đến địa phương được tăng cường. Từ năm 2016 đến nay, ngành văn hóa – thể thao và du lịch (VHTTDL) tỉnh đã biên tập, in ấn, phát hành, tái bản 36.000 ấn phẩm tờ rơi, tờ gấp về du lịch, 7 video, clip về tiềm năng phát triển du lịch tỉnh.
Đáng chú ý, công tác bảo tồn làng văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống được quan tâm đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, hỗ trợ hoạt động của Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn (nay là Bắc Quỳnh), Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã xây dựng thêm 4 làng văn hóa du lịch sinh thái cộng đồng là: Hữu Liên, Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng), Vũ Lăng (huyện Bắc Sơn) và Mông Ân (huyện Bình Gia)…
Bà Hoàng Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp tập trung xây dựng, hình thành các tuyến du lịch gắn liền với DSVH. Đến nay, toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp phát triển được các tour, tuyến liên quan đến di tích và các DSVH phi vật thể như: tham gia lễ hội, thưởng thức hát then, múa sư tử mèo… được đông đảo du khách yêu thích, lựa chọn.
Từ các hoạt động đó, nhiều DSVH ở Lạng Sơn đã và đang trở thành động lực cho phát triển du lịch mang lại, nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, Lạng Sơn đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng trung bình 15,42% (mục tiêu Nghị quyết 25 đề ra từ 4 đến 4,5%); doanh thu xã hội từ du lịch tăng 18,38% (mục tiêu từ 3 đến 3,5%).
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, thời gian tới, ngành VHTTDL tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển bền vững du lịch văn hóa. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho việc khai thác DSVH gắn với phát triển du lịch bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý DSVH và khai thác du lịch cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò của DSVH trong phát triển du lịch bền vững.
“Lạng Sơn là tỉnh biên giới, với hệ thống giao thông thuận lợi, nên kết hợp tiềm năng từ di sản phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa địa phương. Tôi mong rằng, tỉnh sẽ tiếp tục chú ý đến phát triển du lịch với những giải pháp cụ thể hơn, trong đó quan tâm hơn nữa đến bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH để tạo thêm động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.Giáo sư Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam |
Ý kiến ()