Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn
Việc ma nhai được công nhận là di sản cấp khu vực không chỉ giúp nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn mà còn hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với danh thắng. TP. Đà Nẵng sẽ cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, góp phần lan tỏa và phát huy giá trị di sản quý giá này đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã không còn xa lạ với du khách thập phương khi đặt chân đến TP. Đà Nẵng. Nơi đây nổi tiếng với núi non hùng vĩ, nhiều hang động, ngôi chùa đẹp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa-lịch sử. Nhưng để hiểu sâu về hệ thống ma nhai trên các vách đá tại danh thắng này có lẽ phải mất rất nhiều thời gian, tìm tòi.
Hệ thống ma nhai tập trung chủ yếu ở động Hoa Nghiêm, Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham và rải rác ở một vài nơi khác. Một trong những ma nhai sớm nhất tại đây là bản Phổ Đà sơn Linh trung Phật của thiền sư Huệ Đạo Minh. Muộn nhất là bản Phụng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát tôn tượng được viết năm 1955.
Theo tập hợp ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước của Sở VH&TT TP. Đà Nẵng, hệ thống ma nhai là kho tư liệu quý được khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm lên các vách đá phẳng. Nội dung bao gồm nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, thơ văn, đề từ, câu đối… của các vị vua quan triều Nguyễn, các cao tăng, trí thức, tao nhân mặc khách đã từng đặt chân đến Ngũ Hành Sơn. Điều đặc biệt, mỗi văn bản ma nhai là một bản duy nhất.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, 78 văn bản khắc trên đá tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là vô cùng quý giá, mở ra nhiều câu chuyện lịch sử thú vị đối với những ai yêu truyền thống văn hóa, lịch sử. Việc ma nhai được công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tin vui với TP. Đà Nẵng trong hành trình nỗ lực giữ gìn, phát huy. Trước mắt, đơn vị tiếp tục làm tốt việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và đặc biệt là nghiêm cấm việc tác động vào di sản.
Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định, với hệ thống văn tự cổ phong phú, độc đáo và có bề dày lịch sử. Dự kiến sẽ đưa vào phục vụ khách du lịch tham quan, nghiên cứu khi đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn.
“Ma nhai là hệ văn khắc trực tiếp vào đá, qua thời gian một số bị phong hóa, mờ đi, nhưng chúng tôi đã nhanh chóng có hướng bảo tồn kịp thời, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động của con người trực tiếp trên ma nhai. Trong quá trình thiết lập hồ sơ, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiến hành nghiên cứu dịch ra toàn bộ nội dung ma nhai bằng cách dập văn bia bằng giấy dó”.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết: Sau khi ma nhai được vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, TP. Đà Nẵng sẽ nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản.
Trong đó, có phương án bảo tồn ma nhai nguyên hiện trạng và khôi phục, tái tạo những nội dung văn tự bị phong hóa. Cùng với đó, có kế hoạch phát huy tối đa giá trị của di sản này thông qua công tác truyền thông, quảng bá, xuất bản ấn phẩm, làm phim tư liệu. Đồng thời, gắn việc phát huy di sản với đẩy mạnh du lịch, thúc đẩy kinh tế-xã hội Thành phố phát triển.
Việc ma nhai được công nhận là di sản cấp khu vực không chỉ giúp nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn mà còn hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với danh thắng. TP. Đà Nẵng sẽ cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, góp phần lan tỏa và phát huy giá trị di sản quý giá này đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
https://baochinhphu.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-ma-nhai-ngu-hanh-son-102230116131921252.htm
Ý kiến ()