Bảo tồn và phát huy giá trị của múa chầu trong đời sống văn hóa các dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng
– Nhận thức được tầm quan trọng của điệu múa chầu trong đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Xứ Lạng, những năm qua, các cấp, ngành liên quan trong tỉnh đã quan tâm gìn giữ, phát triển điệu múa chầu. Minh chứng là những năm gần đây, điệu múa chầu được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng, nhất là trong các dịp lễ, tết trên địa bàn tỉnh chứ không chỉ xuất hiện trong một số nghi lễ then tín ngưỡng như trước.
CLB Nộc Khảm Khắc (Văn Lãng) biểu diễn múa chầu
Múa chầu là điệu múa tiêu biểu gắn liền với hát then, mang những đường nét, dáng điệu phản ánh sinh động đời sống lao động, sản xuất của cư dân nông nghiệp miền núi, trở thành một phần quan trọng của then và được Nhân dân các dân tộc yêu thích, gìn giữ qua nhiều đời. Múa chầu có nội dung và nghệ thuật khá phong phú và hấp dẫn, cơ bản giống nhau nhưng vẫn có sự khác nhau ở từng vùng với nhiều điệu như: chầu vua, chầu tướng, chầu hoa… được thực hiện trong một số buổi lễ như cầu an giải hạn, lễ lẩu then… Múa chầu là điệu múa tập thể từ 4 người trở lên đến vài chục, thậm chí hàng chục, hàng trăm người.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Dưới góc nhìn tâm linh, múa chầu là điệu múa của quan quân Then trong cuộc hành trình lên thiên đình tâu với Ngọc Hoàng về một yêu cầu nào đó với mong muốn cuộc sống an lành, tốt đẹp của trần gian. Thông qua điệu múa chầu, thầy Then cũng như người múa gửi gắm khát vọng và ước muốn cầu phúc, cầu lộc, bình an, sức khỏe cho mọi người, cầu mùa màng tươi tốt, bội thu. Dưới góc độ văn hóa nghệ thuật, múa chầu là một điệu múa dân gian trong thực hành then tâm linh, sử dụng bộ nhạc xóc, quạt giấy hoặc khăn làm đạo cụ với những động tác mềm mại, uyển chuyển của người diễn trong tiếng nhạc xóc và tính tẩu với áo chàm dài mang đậm chất trữ tình, vừa thực vừa ảo để cầu mong một ước vọng của cộng đồng.
Những năm gần đây, múa chầu được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng dân cư và đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trong các cuộc giao lưu hát then giữa các CLB, làm tăng thêm sức sống của bài hát then. Từ năm 2015 đến nay, trên 80% chương trình văn nghệ tại các lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh khi có hát then thì có múa chầu. Kết quả này có được là nhờ thời gian qua, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích hội viên các CLB dân ca tích cực biểu diễn múa chầu trong các lễ hội xuân, các chương trình giao lưu văn nghệ tại địa phương.
Không chỉ ở trong then, múa chầu đã được các nhà biên đạo múa khai thác, sử dụng, đưa vào diễn tại một số sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc trong các cuộc thi… Nghệ sĩ ưu tú Chu Mai Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: Để đưa dân ca, dân vũ truyền thống đến gần hơn với công chúng, trung tâm tích cực nghiên cứu các tiết mục biểu diễn mới trong đó có múa chầu. Bình quân mỗi năm, trung tâm có trên 300 tiết mục múa chầu được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, trong các chương trình văn nghệ quần chúng có khoảng 70 chương trình/năm và 100% chương trình là các tiết mục hát then, múa chầu.
Cùng với đó, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người yêu then trong tỉnh đã chủ động sưu tầm làn điệu múa chầu then truyền dạy trong cộng đồng với nhiều lớp dạy múa chầu thu hút nhiều người tham gia. Song song với việc phát triển các câu lạc bộ hát dân ca trong ở thôn bản, khối phố, việc đưa hát dân ca, múa chầu vào truyền dạy trong trường học ngày càng phổ biến, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Ông Phùng Văn Thời, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Văn Quan cho biết: Để đưa dân ca, múa chầu, hát then vào trường học, những năm gần đây, trường đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh; thành lập các CLB dân ca và tổ chức truyền dạy, biểu diễn và khen thưởng động viên kịp thời những cá nhân tích cực tham gia. Do đó, ngày càng có nhiều học sinh tham gia các CLB dân ca. Nhà trường có 268 học sinh thì có đến 70% học sinh tham gia các CLB dân ca, biết hát then, múa chầu và thường xuyên biểu diễn tại các buổi lễ như: khai giảng năm học, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập Đoàn 26/3, tổng kết năm học…
Qua đây cho thấy, múa chầu ngày càng gần gũi hơn với đời sống và được đông đảo Nhân dân đón nhận, ưa chuộng. Với nỗ lực của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học, tin tưởng và hy vọng rằng, múa chầu sẽ ngày càng được nâng tầm, phát triển, lan rộng ra các sinh hoạt ngoài không gian tín ngưỡng truyền thống, ngày càng gần gũi hơn với các tầng lớp nhân dân và trở thành điệu múa phổ biến trong sinh hoạt cộng đồng.
Ý kiến ()