Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Tiết mục văn nghệ tại buổi họp mặt các đại biểu tiêu biểu dân tộc Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019. Ảnh: TTXVN |
Tại TPHCM, công tác chỉ đạo, triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này được thực hiện thường xuyên, trong đó công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm hàng đầu.
Nhiều chủ trương, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu ổn định và phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số; chính sách vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo; chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer trên địa bàn Thành phố đang học từ mẫu giáo đến Trung học phổ thông; chính sách về hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Thành phố còn có chính sách hỗ trợ cho giáo viên người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn dạy tiếng dân tộc với mức hỗ trợ bằng 0,5 lần mức lương cơ sở ; biên soạn bộ tài liệu dạy và học tiếng Hoa, Khmer, Chăm cho cán bộ, công chức và đồng bào người Hoa, Khmer, Chăm tại TPHCM giai đoạn 2016-2020; triển khai sâu rộng công tác khuyến học trong đồng bào các dân tộc.
Các chính sách giáo dục, chính sách dân tộc đặc thù đã phát huy tác dụng, động viên đồng bào dân tộc thiểu số chú trọng hơn việc học tập, nâng cao trình độ văn hóa góp phần đặc biệt quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TPHCM.
Hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc, người có uy tín, thành viên các tổ chức chính trị – xã hội các nội dung liên quan đến các quy định pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, chiến lược công tác dân tộc; chính sách dân tộc và việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc; văn hóa, tôn giáo, phong tục tập quán, các nội dung về vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các dân tộc trên địa bàn Thành phố.
Ngoài giảng dạy trên lớp, Ban Dân tộc còn tổ chức các buổi đi khảo sát thực tế tại các hội quán, cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số để giúp cho học viên hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Thành phố. Để góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, Ban Dân tộc cũng như các sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân 24 quận – huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn dân cư (phường xã, khu phố, tổ dân phố) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận pháp luật. Qua đó, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cùng góp sức với chính quyền trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng như di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.
Tại Điện Biên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tham mưu triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án của Trung ương và của tỉnh đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiêu biểu như: Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn lễ hội truyền thống; Đề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng một số tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, di sản “Nghệ thuật Xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Xòe Thái”. Trong đó, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 cá nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Các nghệ nhân là người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Họ là những người am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống và trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh…
Bình Thuậncó 34 thành phần dân tộc thiểu số với tổng số trên 100.000 người (chiếm tỷ lệ 8% dân số toàn tỉnh), cư trú rộng khắp trên địa bàn của tỉnh. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, lễ nghi, lễ hội riêng…
Từ năm 2014 đến nay, ngành văn hóa của tỉnh đã tham mưu, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, đã tổ chức kiểm kê, khảo sát, nghiên cứu các lễ nghi, lễ hội dân gian (Katê, Ramưwan, Đầu lúa, Đâm trâu, Nghinh ông…) và nghề gốm truyền thống của dân tộc Chăm, Cơ ho, Raglay, Chơ ro, Hoa. Thành lập các đội văn nghệ dân gian Chăm, câu lạc bộ hát Then của dân tộc Nùng; tập hợp các các thanh thiếu niên tham gia vào nhóm lớp sử dụng các nhạc cụ dân tộc như đánh trống Ghi năng, trống Paranưng, thổi kèn Saranai, hát dân ca, vũ điệu Chăm; nghiên cứu Luật tục của đồng bào Chăm, Raglai, Cờho và Chơro phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Đồng thời phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) 4 dân tộc tiêu biểu (Chăm, Raglai, Cơ ho và Chơ ro) thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật… và rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả.
Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số cũng được chú trọng, hầu hết các dân tộc thiểu số đều bảo lưu, sử dụng tiếng nói của mình trong sinh hoạt cộng đồng; chương trình dạy và học chữ Chăm vẫn được duy trì ở các trường Tiểu học có đồng bào Chăm thuộc 04 huyện (Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân); chương trình phát thanh truyền hình tiếng Chăm vẫn được phát sóng thường xuyên trên truyền hình BTV (định kỳ 04 lần/tháng)…
Công tác bảo tồn và phát huy các lễ hội dân gian truyền thống được quan tâm; nhiều lễ hội truyền thống lớn của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phục dựng và tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo người dân tham dự, các lễ hội văn hóa dân gian của các dân tộc được diễn ra theo đúng nghi thức và tập tục truyền thống với mục đích và ý nghĩa của lễ hội.
Tại Kon Tum, theo thống kê năm 2017 trên địa bàn tỉnh hiện có 1.916 bộ cồng chiêng. Để tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, từ năm 2017-2019, Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum’’; đã hỗ trợ cho các địa phương 15 bộ cồng chiêng các loại. Ngoài ra, đã hỗ trợ 6 bộ cồng chiêng theo truyền thống cho 2 dân tộc thiểu số rất ít người BRâu và Rơ Măm. Một số huyện, thành phố cũng đã chủ động hỗ trợ bộ cồng chiêng cho các thôn, làng. Qua đó, ý thức tự giác trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các DTTS được củng cố và phát huy.
Hằng năm, tỉnh tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương, một số tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa được trình diễn trong các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn, kỷ niệm tại địa phương và chủ động tổ chức truyền dạy cho các thế hệ về diễn tấu cồng chiêng, xoang… Các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân tại cộng đồng có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Việc xây dựng nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo, xây dựng 446 nhà rông truyền thống ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã xây dựng phòng trưng bày và tổ chức sưu tầm sản phẩm nghề truyền thống với việc đặt hàng của các nghệ nhân đang sản xuất nghề để trưng bày quảng bá sản phẩm 6 dân tộc tại chỗ: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Hrê, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm với sản phẩm của 9 nghề: Dệt thổ cẩm, đan lát, nghề gốm, chế tác nhạc cụ âm nhạc, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm rượu cần, nghề rèn, chế tác nhạc cụ âm nhạc.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()