Bảo tồn và phát huy dân ca từ cơ sở
LSO-Trong mấy năm trở lại đây, công tác bảo tồn và phát huy dân ca trên địa bàn toàn tỉnh đã, đang đạt được những kết quả nhất định.
LSO-Trong mấy năm trở lại đây, công tác bảo tồn và phát huy dân ca trên địa bàn toàn tỉnh đã, đang đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt kể từ khi Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca tỉnh (2009) và Hội Bảo tồn dân ca (BTDC) các dân tộc tỉnh được thành lập (2010) đã khơi dậy phong trào yêu thích, học đàn, hát dân ca một cách rộng khắp. Theo đó, nhiều CLB tại cơ sở được thành lập, tích cực hoạt động, đẩy mạnh giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm bảo tồn và phát huy dân ca với các CLB trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu, sau gần 3 năm hoạt động, Hội BTDC các dân tộc tỉnh đã có gần 400 hội viên trong 50 CLB và mở được trên 40 lớp truyền dạy (then, sli, lượn), tổ chức được trên 30 cuộc giao lưu dân ca từ quy mô đơn vị dân cư đến liên xã, liên huyện, liên tỉnh. Đáng chú ý, Hội BTDC các dân tộc tỉnh đã thành lập được CLB thể nghiệm Nộc Én với các thành viên trẻ, năng động, có chuyên môn, giàu nhiệt huyết để biểu diễn, giới thiệu các làn điệu dân ca.
![]() |
Hội viên Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh tham gia biểu diễn tại các lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh |
Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội BTDC các dân tộc tỉnh nhận định: Dân ca thì dân phải ca. Đó chính là một cách thiết thực để bảo tồn và phát huy dân ca một cách hiệu quả… Thực tế cho thấy, bảo tồn và phát huy dân ca bắt đầu từ cộng đồng dân tộc đang sở hữu loại hình, làn điệu dân ca ấy chính là cách làm hiệu quả, đúng hướng, nhanh chóng được đông đảo người dân hưởng ứng. Do đó, các CLB ở mỗi địa bàn cơ sở chính là tổ chức để tập hợp những người chung niềm đam mê, yêu thích dân ca, quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca. Đồng thời, để dân ca có cơ hội được trình diễn, thể hiện thì tất yếu phải có các môi trường diễn xướng thích hợp. Môi trường đó chính là các ngày hội truyền thống, ngày vui của cộng đồng, là những buổi giao lưu giữa các CLB, liên hoan, hội diễn… Trong đó, lễ hội, ngày hội truyền thống hàng năm luôn là một môi trường thích hợp. Tất nhiên, cũng cần có những cách thức phù hợp trong hoạt động của các CLB. Tiêu biểu trong cách làm trên phải kể đến hoạt động của CLB hát sli xã Tân Thành (Cao Lộc). CLB đã chọn ngày hội truyền thống của xã Tân Thành (27/3 âm lịch) hàng năm là ngày gặp mặt các hội viên và tổ chức giao lưu với các CLB bạn. Ngoài ra CLB còn đi giao lưu, biểu diễn tại nhiều ngày hội khác trên toàn tỉnh. Ông Lương Văn Cai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Cao Lộc) cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay, CLB hát sli xã Tân Thành luôn phát huy tốt vai trò của mình trong việc tập hợp hội viên, góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, dân ca các dân tộc. Nét đặc sắc trong ngày hội văn hóa truyền thống của xã cũng chính là sự góp mặt của các tiết mục, làn điệu dân ca.
Thực tế cho thấy, đối với hoạt động truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, đã có nhiều cách làm hay góp phần vào bảo tồn và duy trì sự bền vững của những di sản văn hóa. Theo đó, ngành văn hóa đã tổ chức truyền dạy được 1 lớp hát sli dân tộc Nùng tại thôn Tềnh Slung, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc; 1 lớp hát lượn dân tộc Tày tại xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình; 1 lớp dân ca Sán Chỉ tại xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình; gần 15 lớp hát then, đàn tính cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng (tổ chức tại Trung tâm VHTT tỉnh và tại các huyện như Văn Lãng, Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan…). Đó chính là những động thái tích cực nhằm góp phần bảo tồn, phát huy dân ca từ cơ sở. Cùng với đó các CLB hát then – đàn tính, các trường học ở khu vực thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Văn Quan đang có xu hướng phát triển khá sôi nổi phong trào sinh hoạt, truyền dạy hát then, đàn tính cho hội viên, học sinh, sinh viên.
Với tinh thần đẩy mạnh xã hội hóa, tuy nhiên vẫn rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các cấp, ngành cả về vật chất lẫn tinh thần cho các CLB cơ sở, các mô hình hay. Anh Hoàng Việt Bình, Đội trưởng Đội dân ca Nộc Én mong muốn, để dân ca được giới thiệu, quảng bá tới bạn bè, du khách nhiều hơn, rất cần có môi trường thích hợp để trình diễn, thể hiện. Đơn cử, tại các điểm di tích, du lịch nếu có địa điểm thường xuyên để biểu diễn phục vụ du khách có nhu cầu thưởng thức thì sẽ rất thuận lợi. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành hữu quan cần tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ dân ca qua việc ghi chép, ghi âm, ghi hình; tập hợp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng, đẩy mạnh công tác truyền dạy dân ca ở cơ sở và trong các trường phổ thông; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng và phát huy mạnh mẽ vai trò của các CLB dân ca, các mô hình tiêu biểu ở cơ sở.
HOÀNG THỊNH

Ý kiến ()