Bảo tồn và phát huy dân ca các dân tộc
LSO- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 2010, Hội Bảo tồn dân ca tỉnh được thành lập. Đến nay, sau 5 năm xây dựng và phát triển, hội đã quy tụ được nhiều nghệ nhân, hội viên có năng khiếu, góp phần gìn giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca.
Kết quả sau một nhiệm kỳ
Những ngày đầu tháng 11/2015, các hội viên Hội Bảo tồn dân ca tỉnh đang tưng bừng tập luyện hướng về ngày kỷ niệm 5 năm thành lập hội. Trang phục biểu diễn bắt mắt, âm thanh rộn ràng vang vọng khắp nơi như xua tan cái lạnh đầu đông của miền biên cương xứ Lạng. Bà Nông Thị Thủy, hội viên Câu lạc bộ xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia chia sẻ: Mỗi tháng từ 1-2 lần, các hội viên trong câu lạc bộ lại sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn. Từng lời ca tiếng hát đều mang đậm nét văn hóa dân tộc, giúp tôi hiểu hơn về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, từ đó đem tiếng hát đến với đông đảo bà con.
Ông Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Với số hội viên từ khi thành lập mới chỉ 142 người, đến nay, Hội có trên 700 hội viên sinh hoạt tại 60 câu lạc bộ trên toàn tỉnh. Trong đó, có những huyện được đánh giá hoạt động sôi nổi như Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn… Từ năm 2010 đến nay, hội đã tổ chức trên 100 lớp đàn và hát dân ca cho gần 1.000 lượt hội viên. Phần lớn hội viên là những nghệ nhân cao tuổi hoặc hội viên có năng khiếu về hát dân ca dân vũ và hoạt động trên tinh thần tự nguyện.
Câu lạc bộ dân ca thị trấn Văn Quan trong giờ tập luyện
Nghệ nhân Phương Thị Thu, xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng luôn là người say mê các giai điệu của nghệ thuật hát then – đàn tính. Truyền thống 12 đời làm then của gia đình là động lực giúp bà Thu sưu tập, gìn giữ nhiều câu hát, nhạc cụ dân tộc để truyền dạy cho thế hệ con cháu. Hay như nghệ nhân Chu Thị Thanh, xã Đình Lập, huyện Đình Lập hiện đang có một bộ sưu tập các bài then cổ do cha ông truyền lại. Hiện tại, bà Thanh có trên 100 học trò theo học về hát then – đàn tính, trở thành một trong những nghệ nhân có số lượng học trò đông nhất toàn tỉnh. Đây mới chỉ là 2 trong số nhiều nghệ nhân tiêu biểu về hát then – đàn tính. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 346 người được công nhận là nghệ nhân hát then trong cộng đồng dân cư. Đây được coi là nhân tố chính trong việc bảo tồn và truyền dạy các làn điệu dân ca.
Cần hướng về thế hệ trẻ
Dòng nhạc thị trường sôi động, hiện đại đang ngày một chiếm lĩnh thị hiếu của giới trẻ. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy dân ca đang là nỗi niềm mà các thành viên trong hội trăn trở. Thực tế cho thấy, hiện nay, các hội viên, giáo viên dạy đàn và hát dân ca tiêu biểu như nghệ sĩ Triệu Thủy Tiên, Hoàng Huy Ấm, Nông Thị Phượng, Vi Thị Liên… đều thuộc tầng lớp trung và cao tuổi. Ngoài một số nhân tố nổi bật như anh Hoàng Việt Bình (người giành giải thưởng “Nghệ nhân trẻ tuổi nhất” tại Liên hoan Hát then toàn quốc năm 2012) thì hầu như không có nghệ nhân trẻ tuổi nào tham gia các hoạt động.
Để thúc đẩy phong trào nghệ thuật trong giới trẻ, hiện nay đã có nhiều trường học đưa hát then – đàn tính vào giờ học ngoại khóa. Trong đó điển hình nhất phải kể đến Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan. Được thành lập từ năm 2010, đến nay, câu lạc bộ của trường liên tục duy trì các hoạt động, thu hút một lượng lớn học sinh yêu dân ca trong độ tuổi từ 13-15 tuổi. Về lâu dài, đây sẽ là những hạt nhân nối tiếp thế hệ đi trước trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát then – đàn tính, loại hình nghệ thuật tiêu biểu trong văn hóa xứ Lạng.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()