Bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca
LSO-Với cách làm sáng tạo, phát huy tốt vai trò của cộng đồng, những năm qua, các mô hình câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ quần chúng của huyện Cao Lộc đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc.
Một buổi học hát then, đàn tính của các thành viên nhỏ tuổi trong CLB Điếp Sli Then xã Thụy Hùng |
Hiện nay, toàn huyện Cao Lộc có 4 CLB và trên 20 đội văn nghệ quần chúng với hơn 200 hội viên tại 23/23 xã, thị trấn. Những CLB, đội văn nghệ đàn và hát dân ca hoạt động mạnh và tiêu biểu như: CLB của thị trấn Cao Lộc, CLB thị trấn Đồng Đăng, CLB xã Phú Xá, CLB Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, đội văn nghệ xã Gia Cát, xã Hải Yến… Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 2 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), đó là: NNƯT Nông Thị Lìm và NNƯT Hà Mai Ven. Họ là những hạt nhân truyền dạy nhiều làn điệu then, sli, lượn, múa chầu… của các dân tộc: Tày, Nùng, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và thúc đẩy phong trào hát dân ca tại địa phương.
Nhiều năm gắn bó với các làn điệu dân ca, NNƯT Hà Mai Ven, người truyền dạy kiêm phụ trách CLB Điếp Sli Then (yêu dân ca), xã Thụy Hùng chia sẻ: CLB chính thức thành lập tháng 8/2017 với trên 20 thành viên, tuổi đời từ 8 đến 50, tất cả đều là những người có chung niềm đam mê hát dân ca. Do CLB của chúng tôi có gần 10 thành viên nhỏ tuổi, nên để giúp các cháu có thể đàn và hát thành thạo, cứ mỗi tuần 2 buổi vào những ngày được nghỉ học ở trường, chúng tôi lại tập trung dạy kiến thức cơ bản về câu then, điệu tính, cùng nhiều làn điệu sli, đồng dao cho các cháu như: đao đí ới đao đăm (sao hôm ơi sao mai); phạ ới đét, phạ ới phân (trời ơi nắng, trời ơi mưa); tấp tấp then then (vỗ tay, vỗ tay); pả púng ới lủng hai (hát với ông trăng sáng)… Các cháu rất thích hát và học cũng rất nhanh. Bên cạnh đó, thành viên của CLB cũng rất tích cực sinh hoạt, sưu tầm, trao đổi kinh nghiệm về những làn điệu dân ca cổ, đồng thời là nòng cốt ca hát ở các thôn, bản trong xã và cũng là những hạt nhân biểu diễn văn nghệ tại những chương trình lớn của huyện, tỉnh.
Đặc biệt, một số thành viên cuaủa các CLB còn tham gia biểu diễn tại các cuộc liên hoan trình diễn lớn được tổ chức trong nước và quốc tế. Cụ thể như, năm 2015, CLB đàn và hát dân ca thị trấn Cao Lộc được cử đi múa chầu đón tiếp đoàn đại biểu quốc tế gồm 160 nước tới dự Đại hội nghị viện thế giới APU lần thứ 123 tổ chức tại Hà Nội. Ngoài ra, các CLB đàn và hát dân ca trong huyện còn thường xuyên giao lưu với các CLB đàn và hát dân ca tỉnh bạn như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn. Từ năm 2017 đến nay, các CLB đàn và hát dân ca của huyện đã thực hiện trên 100 cuộc biểu diễn, giao lưu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.
Bà Hoàng Mai Dung, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Để phong trào văn nghệ của huyện ngày một phát triển, hằng năm chúng tôi khuyến khích việc thành lập các CLB, đội văn nghệ tại cơ sở. Đồng thời tạo những sân chơi, tham gia giao lưu, biểu diễn cho các CLB và đội văn nghệ nhân các ngày diễn ra lễ hội lớn của huyện như: hội chùa Bắc Nga, hội đền Mẫu – Đồng Đăng… Cùng với đó, căn cứ vào nhu cầu của các CLB, hằng năm, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh mời các thầy cô có tiếng về hướng dẫn, giảng dạy kỹ năng hát then, đàn tính, hát sli, lượn, phong slư… cũng như những kỹ năng tổ chức hoạt động cho thành viên các CLB và đội văn nghệ của huyện nhằm phát hiện và nhân rộng hạt nhân ưu tú, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Cao Lộc nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()