Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử vùng An toàn khu Bắc Sơn
LSO - Theo Quyết định số 1714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/9/2013, vùng an toàn khu (ATK) của Trung ương ở tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao gồm các xã: Vũ Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hưng Vũ (huyện Bắc Sơn). Đây là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn.
LSO – Theo Quyết định số 1714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/9/2013, vùng an toàn khu (ATK) của Trung ương ở tỉnh Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, bao gồm các xã: Vũ Lễ, Tân Hương, Tân Lập, Vũ Lăng, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Hữu Vĩnh, Hưng Vũ (huyện Bắc Sơn). Đây là nơi nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho các cơ quan, cán bộ cao cấp của Trung ương, Xứ ủy Bắc kỳ trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn. Ngày nay, ở những xã này còn có rất nhiều di tích chứa đựng giá trị lịch sử to lớn như: đình Nông Lục, đồn Mỏ Nhài, trường Vũ Lăng, núi Sa Khao… Thời gian qua, những di tích này luôn được sự quan tâm, đầu tư tôn tạo và bảo vệ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử và giáo dục truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan, du lịch
Hơn 70 năm trôi qua, nhưng ngày nay, khi nhắc tới Khởi nghĩa Bắc Sơn, mọi người vẫn nhớ đến những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng với 12 điểm di tích quan trọng liên quan trực tiếp tới quá trình, diễn biến của cuộc khởi nghĩa, hình dung lại những sự kiện quan trọng của cách mạng. Đó là Mỏ Tát (xã Vũ Lăng), nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Đó là đình Nông Lục (xã Hưng Vũ), nơi diễn ra cuộc họp để ra Nghị quyết thành lập Ban chỉ đạo Khởi nghĩa Bắc Sơn và quyết định thời gian tổng khởi nghĩa Bắc Sơn sẽ nổ ra vào hồi 20 giờ ngày 27-9-1940. Hay đèo Thâm Thông – Dập Dị, nơi đây trong hai ngày 27 và 28-9-1940, quân khởi nghĩa đã phục kích chặn đường rút lui quân Pháp, tiêu diệt 1 tên quan ba, 4 tên lính Pháp. Núi Sa Khao (xã Vũ Lăng) là căn cứ địa vững chắc của quân du kích Bắc Sơn. Tại nơi đây, ngày 14-10-1940, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đăng Ninh đã diễn ra cuộc họp quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn và căn cứ du kích Bắc Sơn… Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của những di tích này là hét sức cần thiết. Bà Trần Thị Thủy, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện bắc Sơn cho biết, trong những năm qua, một số điểm di tích đã được quan tâm đầu tư tôn tạo bảo tồn như: xây dựng nhà Bia tưởng niệm, nhà truyền thống ở Trường Vũ Lăng; xây dựng tượng đài chiến thắng Đồn Mỏ Nhài; phục dựng lại đình Nông Lục… Những di tích này là minh chứng sinh động trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho con cháu mai sau về công lao to lớn của cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc để không ngừng học tập và noi theo. Hàng năm, các di tích này đón hàng vạn lượt khách đến tham quan. Tính từ đầu năm 2013 đến nay đã đón 11.071 lượt khách.
Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử vùng ATK Bắc Sơn còn một số khó khăn. Hệ thống các điểm di tích chưa được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ. Mặt khác do tác động của tự nhiên và xã hội nên có nhiều điểm di tích đã bị ảnh hưởng xuống cấp nghiêm trọng. Việc quản lý chưa được quan tâm một cách thấu đáo, chặt chẽ như: hệ thống biển báo, hồ sơ lý lịch chưa được ghi chép một cách hoàn thiện. Một số di tích nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi, như: hang Lân Pán, Lân Táy – Mỏ Pia… Trước thực trạng đó, tháng 10/2013, huyện đã triển khai đến 8 xã để họp bàn xây dựng kế hoạch dự thảo đề án về phát triển kinh tế – xã hội, trùng tu, phục dựng các di tích vùng ATK. Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết, đến nay, dự thảo đã hoàn chỉnh và trình lên Sở Kế hoạch – Đầu tư xem xét. Theo dự thảo, năm 2014, các xã sẽ đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích và phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng với kinh phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng/xã. Đề án này được thông qua sẽ tạo động lực lớn để các xã vùng ATK phát triển kinh tế – xã hội cũng như bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của các di tích lịch sử.
Để phát huy, khai thác thế mạnh du lịch của các di tích vùng ATK, ông Nguyễn Bá San, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh cho biết, trước tiên cần quan tâm đến công tác bảo tồn, phục dựng. Hiện nay, Ban quản lý di tích tỉnh đã lập kế hoạch chuyên môn, tham mưu cho tỉnh về tình trạng của các di tích ở từng xã, nhu cầu cần được đầu tư trùng tu, phục dựng. Theo kế hoạch, lễ đón nhận Quyết định công nhận 8 xã của Bắc Sơn thuộc vùng ATK của Trung ương thời kỳ kháng chiến chống Pháp sẽ được tổ chức vào tối 4/11/2013. Sự kiện này sẽ mở ra một hướng phát triển mới cho du lịch Bắc Sơn và những di tích lịch sử ở các xã này sẽ trở thành di tích điểm, thu hút được sự quan tâm đầu tư của các cấp, ban, ngành có thẩm quyền, đảm bảo cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng ở địa phương.
Bài, ảnh: Ngọc Hiếu
Ý kiến ()