Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Lạng
LSO-Trong bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, Xứ Lạng được bạn bè, du khách biết đến là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, có nhiều đồng bào dân tộc anh em chung sống đoàn kết bên nhau, đang sở hữu một kho tàng di sản văn hóa (DSVH) vô cùng phong phú. Trải qua các thế hệ, nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa vẫn được gìn giữ, bảo tồn, trao truyền và không ngừng được làm giàu, phát huy mạnh mẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Lễ hội truyền thống Đền Kỳ Cùng – Đền Tả Phủ nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia |
Theo thống kê, Lạng Sơn có gần 600 di tích, trong đó có gần 130 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Hàng năm có khoảng 300 lễ hội lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có 80 – 90% lễ hội dân gian, mang tính chất lồng tồng – cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, “nhân khang, vật thịnh”, đa số diễn ra trong mùa xuân trên khắp địa bàn tỉnh. Cùng với đó là nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như: dân ca, dân vũ; nghệ thuật trình diễn dân gian; nghề truyền thống; nghệ thuật ẩm thực… được bảo tồn, phát huy, đã tạo nên không gian, môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong quá trình phát triển, Lạng Sơn đã nhận thấy rõ vai trò, ý nghĩa của tài nguyên văn hóa trong phát triển bền vững. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập thì chính yếu tố bản sắc văn hóa đã góp phần làm nên diện mạo, nét đặc trưng riêng có của tỉnh trong bức tranh chung của cả nước. Do đó, công tác bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn tài nguyên trên luôn được quan tâm đẩy mạnh.
Trước hết phải kể đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, lập hồ sơ các DSVH đã được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Năm 2013, di tích khảo cổ khu vực Mẫu Sơn (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) được xếp di tích quốc gia. Cũng trong năm 2013, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Cửa Đông, Đền Cửa Tây, Đền Cửa Nam, Đền Cửa Bắc thuộc phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn được xếp hạng di tích quốc gia. Các di tích này bổ sung vào di tích kiến trúc nghệ thuật Thành cổ Lạng Sơn (Đoàn thành) được xếp hạng từ năm 1999. Năm 2015, Bia Thủy Môn Đình (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh) được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đáng chú ý, năm 2016, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch và tích cực triển khai lập hồ sơ trình xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn…
Độc đáo sư tử mèo trong ngày hội xuân ở Lạng Sơn |
Năm 2015, lần đầu tiên Lạng Sơn có DSVH phi vật thể được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia, gồm: lễ hội Đền Kỳ Cùng – Đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn); nghi lễ Then của người Tày, người Nùng tỉnh Lạng Sơn. Đây là niềm vui, niềm tự hào của toàn tỉnh; đồng thời thể hiện sự nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH quý báu, góp phần xây dựng hình ảnh, sức hấp dẫn của du lịch Xứ Lạng. Cùng với đó, hằng năm, Lạng Sơn đều tổ chức thành công các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc. Chào mừng kỷ niệm 185 năm ngày thành lập tỉnh (4/11/1831 – 4/11/2016), ngày hội lần thứ VII/2016 được tổ chức tại thành phố Lạng Sơn. Đây là hoạt động thiết thực, đồng thời là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Nhằm bảo tồn và phát huy vốn DSVH gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ngày 22/7/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1224/QĐ- UBND công nhận 39 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ sở để các huyện, thành phố xây dựng các phương án quản lý, khai thác được hiệu quả các điểm du lịch trong tương lai.
Bước vào chặng đường mới, Lạng Sơn cũng đã xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH là nhiệm vụ quan trọng, mang tính toàn dân, toàn diện và lâu dài. Đồng thời phải gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo, phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể như: 60 -70% di tích đã xếp hạng các cấp được khoanh vùng bảo vệ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 15 -20% di tích đã xếp hạng các cấp được trùng tu, tôn tạo; từ 6 – 8 di tích trình xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh; lập hồ sơ từ 4 – 6 DSVH phi vật thể đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia…
Có thể khẳng định, vốn tài nguyên văn hóa đã, đang là sức mạnh nội sinh thiết thực góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, luôn vững vàng thế đứng địa đầu Tổ quốc, đóng góp vào bức tranh phát triển chung của cả nước.
HOÀNG THỊNH
Ý kiến ()