Bảo tồn trang phục dân tộc: Giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị
(LSO) – Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có 7 dân tộc chính gồm: Nùng chiếm 42,8%; Tày 35,4 %; Kinh 17,1%; Dao 3,5%; Sán Chay 0,6%, Hoa 0,3%, Mông 0,17%, các dân tộc khác chiếm 0,12%… Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán riêng, theo đó, trang phục cũng có những nét độc đáo riêng biệt.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và các dịp sinh hoạt chung của cộng đồng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân đã thay đổi. Với người Tày, họ ít sử dụng trang phục trong đời sống hằng ngày mà chỉ sử dụng vào những dịp như: lễ, tết, hội hè hay giao lưu văn nghệ. Đối với một số nhóm dân tộc thiểu số khác như: Mông, Dao, Nùng…, việc sử dụng trang phục truyền thống hằng ngày vẫn có tần suất cao, nhưng chủ yếu là người cao tuổi, thế hệ trẻ hầu như rất ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, chủ yếu là mặc quần áo may, bán sẵn. Việc sản xuất trang phục truyền thống không còn phổ biến.
Bà con người Dao đỏ xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định trong trang phục truyền thống
Trước thực trạng đó, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc thiểu số, coi đó là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa. Theo đó, các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về trang phục truyền thống dân tộc. Từ năm 2011 đến nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã lập 3.273 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có hơn 300 phiếu kiểm kê loại hình tri thức dân gian về trang phục dân tộc). Cùng đó, ngành đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh trang phục truyền thống các dân tộc thông qua việc tổ chức định kỳ Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc; Tuần VHTTDL, thi trang phục dân tộc thông qua liên hoan du lịch Mẫu Sơn…
Bên cạnh đó, ngành VHTTDL luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền dạy, phổ biến một số loại hình văn hóa dân tộc như các điệu then, sli… kết hợp với việc mặc trang phục dân tộc khi biểu diễn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức 20 lớp truyền dạy, phổ biến dân ca trên địa bàn, thu hút hàng ngàn người tham gia. Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh với gần 1.000 hội viên và 50 câu lạc bộ (CLB) hát dân ca… đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn trang phục dân tộc, bởi khi tham gia CLB, các hội viên của hội đều tự may sắm trang phục dân tộc truyền thống để phục vụ việc sinh hoạt và biểu diễn…
Song song với đó, công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội duy trì việc mặc trang phục truyền thống cũng được các địa phương đẩy mạnh. Từ nhu cầu mặc trang phục đi chơi, dự hội, biểu diễn mà nhiều địa bàn đã chú trọng tới việc bảo tồn nghề dệt, may, thêu trang phục truyền thống như các xã: Hải Yến, Hòa Cư (huyện Cao Lộc); Quang Trung, Thiện Thuật (huyện Bình Gia)… Cùng đó, chính quyền một số huyện đã hỗ trợ may trang phục truyền thống cho học sinh ở các bậc học; đưa việc mặc trang phục truyền thống một số ngày trong tuần vào quy định bắt buộc của các trường để giúp giới trẻ làm quen với trang phục truyền thống của mình. Từ đó, từng bước khôi phục, bảo lưu trang phục truyền thống các dân tộc.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Năm 2019, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm chia làm nhiều giai đoạn nhằm lựa chọn, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có giá trị tiêu biểu, đặc sắc; đồng thời đầu tư có trọng điểm để tạo ra phương thức, biện pháp bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Ý kiến ()