Bảo tồn, phục dựng lễ hội văn hóa các dân tộc
Hát giao duyên trên sàn Hạn Khuống là nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên gìn giữ và phát huy.
Trong số 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn Tây Bắc thì tỉnh Điện Biên có tới 18 cộng đồng DTTS; mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội riêng. Dân tộc Thái có các lễ hội: Xên bản, Xên mường, lễ hội cầu mưa, lễ mừng cơm mới, lễ lên nhà mới; lễ cưới hỏi truyền thống và lễ đặt tên cho trẻ… Dân tộc Mông có các lễ hội: Gầu Tào, Nào Pê Chầu… Theo dòng chảy của thời gian cùng với điều kiện sống thì nhiều nét văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của nhiều DTTS đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Thái Lương Thị Đại, cho biết: Trước kia, lễ hội Xên mường – Mường Thanh được tổ chức thường xuyên vào tháng 3, tháng 4 âm lịch trong toàn vùng lòng chảo Mường Thanh. Nhưng nhiều năm nay, lễ hội Xên mường – Mường Thanh dần bị lãng quên. Khoảng chục năm gần đây, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phục dựng lễ Xên bản tại một số bản văn hóa, song chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính của một bản mà không quy tụ người dân toàn vùng như Xên Mường ngày trước. Ở các dân tộc khác, lễ hội truyền thống cũng dần mai một, thậm chí có nguy cơ mất hẳn.
Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm ngành chủ quản trước nhiệm vụ bảo tồn, phát huy lễ hội các DTTS, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên Phạm Việt Dũng cho biết: Trước nguy cơ giao thoa văn hóa mới, cũ của các dân tộc hiện nay, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy lễ hội các DTTS gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi sở, ngành; đồng thời tuyên truyền đến toàn thể người dân để mọi người nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo tồn lễ hội các dân tộc. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn, Sở ưu tiên phục dựng lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Quá trình xây dựng kế hoạch tổ chức phục dựng lễ hội, Sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người cao tuổi, người có uy tín am hiểu phong tục tập quán dân tộc.
Nói về quá trình tìm hiểu, phục dựng lễ hội truyền thống các DTTS, Phó trưởng Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) Trịnh Thị Mai chia sẻ: Không chỉ thiếu nguồn kinh phí mà còn thiếu người am hiểu phong tục, lễ hội trong cộng đồng các dân tộc cho nên công tác tìm kiếm, sưu tầm, xây dựng lễ hội thực hiện rất khó khăn. Song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, các đơn vị như: Phòng Di sản, Bảo tàng tỉnh bằng cách làm “dễ trước khó sau”, trong nhiều năm qua đã thành lập các đoàn công tác về các huyện, thị xã khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ tư liệu hiện vật liên quan lễ hội truyền thống các DTTS. Qua các chuyến điền dã, thu thập tư liệu, Phòng Di sản và Bảo tàng tỉnh đã khớp nối, xây dựng mạng lưới cộng tác viên với nhiều người cao tuổi, người có uy tín am hiểu phong tục tập quán, văn hóa các DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Khắc phục khó khăn nguồn ngân sách hạn chế dành cho phục dựng lễ hội văn hóa dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tăng cường quảng bá văn hóa, lễ hội các dân tộc Điện Biên tại các sự kiện văn hóa, du lịch do các tỉnh trong khu vực Tây Bắc tổ chức. Với các lễ hội chưa có điều kiện phục dựng, Sở cung cấp thông tin, tư liệu đầy đủ đến du khách để trong trường hợp du khách cần trải nghiệm thì Sở sẵn sàng cử đơn vị phối hợp thực hiện theo hình thức hợp tác trải nghiệm. Qua cách làm đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã khớp nối, hỗ trợ nhiều huyện, như: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay, Mường Chà… phục dựng được hàng chục lễ hội truyền thống các dân tộc: Mông, Thái, Dao, Xinh Mun…
Từ nguồn kinh phí do Trung ương và địa phương hỗ trợ, 10 năm qua (từ năm 2008 đến năm 2018), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên đã phục dựng, bảo tồn hơn 20 lễ hội truyền thống các dân tộc: Mông, Dao, Thái, Khơ Mú, Xinh Mun, Hà Nhì… Trong đó, điển hình như: Lễ hội cầu mưa của người Khơ Mú, huyện Điện Biên; lễ mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông; lễ Pang Phóong của dân tộc Kháng, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo… Tổng kinh phí mà tỉnh đã thực hiện phục dựng, tổ chức trình diễn các lễ hội trong toàn tỉnh lên đến gần 20 tỷ đồng.
Vào dịp cuối năm 2018, tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với UBND huyện Nậm Pồ tổ chức phục dựng thành công lễ Nhảy lửa của người Dao đỏ, trước sự vui mừng của cộng đồng người Dao ở địa phương. Ông Chào Tràn Phin ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần cho biết: Lâu lắm rồi đồng bào dân tộc Dao bản Huổi Sâu mới có lễ Nhảy lửa chung của bản như thế này. Không chỉ gắn kết tình đoàn kết giữa các dòng họ, sau lễ Nhảy lửa năm nay, người Dao bản Huổi Sâu hiểu hơn về ý nghĩa lễ hội, con cháu, anh em cùng chung niềm tin sẽ được tổ tiên phù hộ làm ăn phát đạt, ngô thóc đầy nhà, mùa màng bội thu. Ðây là nét sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa độc đáo, giàu bản sắc và đậm đà tính nhân văn trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Dao đỏ trên mảnh đất biên cương Nậm Pồ.
Để công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống các DTTS trên địa bàn hiệu quả, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Ðề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 kiểm kê, đánh giá di sản văn hóa của tất cả các DTTS trên địa bàn; 50% số dân tộc có các di sản văn hóa, lễ hội tiêu biểu được bảo tồn, phục dựng, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()