Bảo tồn văn hóa dân tộc Nùng Lạng Sơn: Tiếp nối mạch nguồn giá trị truyền thống
- Lạng Sơn là vùng đất sinh sống của nhiều dân tộc với những phong tục tập quán đặc sắc, tạo nên bản sắc đặc trưng, trong đó có dân tộc Nùng. Đây là dân tộc có số lượng dân số đông nhất tỉnh. Những năm qua, các cấp, ngành trên địa tỉnh đã có nhiều giải pháp, từng bước bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Nùng, góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống cho thế hệ mai sau.
Người Nùng chiếm 42,9% dân số của cả tỉnh, có 4 nhóm chính: Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình (Phàn Slình Cúm Cọt; Phàn Slình Hua Lài), Nùng An. Văn hóa của đồng bào Nùng là sự kết tinh trong quá trình lao động sáng tạo, là tài sản văn hóa quý báu không chỉ của riêng người Nùng mà còn bồi đắp, làm giàu thêm cho văn hóa xứ Lạng. Từ bao đời nay, người Nùng Lạng Sơn vẫn luôn ý thức về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của cha ông trong đời sống ngày nay.
Những giá trị văn hóa quý báu
Dân tộc Nùng Lạng Sơn có nhiều nét văn hóa độc đáo, riêng có, thể hiện qua trang phục, tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán, dân ca dân vũ...
Một trong những thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc của dân tộc Nùng Lạng Sơn đó là trang phục. Mỗi nhóm Nùng đều có sự trang trí trên trang phục khác nhau, đơn cử như người Nùng Phàn Slình thường có những đường chỉ nổi, thêu sặc sỡ phần cổ và vạt áo; trang phục người Nùng Cháo lại được thêu với phần chỉ chìm kín đáo. Đa phần, trang phục của người Nùng thiên về tạo dáng với phần thân áo ngắn được xẻ tà, quần may rộng. Màu sắc chủ đạo là màu chàm, đen.
Nghệ nhân Long Thị Nga, dân tộc Nùng Phàn Slình Cúm Cọt, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc chia sẻ: Bộ trang phục của nhóm Nùng Cúm Cọt chúng tôi được làm từ vải nhuộm chàm, ít hoa văn. Để bộ trang phục nổi bật, người phụ nữ thêu chỉ màu và các hạt bạc nhỏ lên chiếc khăn đội đầu. Người phụ nữ Nùng xưa kia chỉ may quần áo cho gia đình mặc trong sinh hoạt hằng ngày nhưng mấy năm trở lại đây, trong xã nhiều người không tự làm trang phục nữa nên tôi cùng một số chị em lành nghề trong xã nhận may. Chúng tôi mua vải sẵn ở chợ về để cắt, may nhưng họa tiết thì hoàn toàn được thêu bằng tay.
Cùng với trang phục, di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Nùng cũng hết sức phong phú, thể hiện qua lễ hội, điệu múa, phong tục tập quán...
Trong đó, các loại hình dân ca, dân vũ đa dạng, tiêu biểu là hát Sli. Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ”, hát Sli là hình thức hát giao duyên thể hiện qua các câu thơ, được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa các cặp nam nữ.
Ông Phùng Văn Muộn, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Thông thường Sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng Sli (ngâm thơ) và dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát). Ở Lạng Sơn hiện nay có 4 nhóm Nùng chính, trong đó, Nùng Cháo có Sli Slình Làng; Nùng Phàn Slình có Sli Sloong Hao; Nùng An có hát Hèo phưn... Năm 2019, hát Sli của người Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Ngoài ra, đồng bào dân tộc Nùng Lạng Sơn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống khác như: các nếp nhà sàn truyền thống, các điệu dân vũ, điệu múa sư tử mèo, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, tung còn)… và những sản phẩm ẩm thực đặc sắc tạo sự thu hút, riêng có của Xứ Lạng.
Từng bước gìn giữ, phát huy
Để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn, trong đó có dân tộc Nùng, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có dân tộc Nùng, Sở VHTT&DL đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền; rà soát, kiểm kê, lập danh mục và nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về DSVH phi vật thể. Đồng thời, bảo tồn một số làng văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống của dân tộc Nùng như làng nghề đan lát, thêu dệt thổ cẩm, trang phục truyền thống…; tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nhân dịp các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước, trong đó ưu tiên phần biểu diễn các tiết mục hát Sli, Then và múa sư tử mèo của dân tộc Nùng...
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan liên quan đã tổ chức được 10 hội thảo, hội nghị tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh; đăng tải 5.000 tin, bài, phóng sự về công tác bảo tồn và phát huy vốn DSVH của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL đã tổ chức các cuộc điều tra, nghiên cứu, sưu tầm và phân loại các loại hình DSVH phi vật thể của người Nùng như: hát Then, Sli, các làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống, trang phục, nghề thủ công truyền thống...
Nhờ đó, hiện nay, những nét văn hóa độc đáo này vẫn được gìn giữ và bảo tồn thông qua các hoạt động như: trưng bày tại Bảo tàng tỉnh và tại triển lãm văn hóa du lịch ở trong và ngoài tỉnh…
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, bảo quản và trưng bày hơn 100 hình ảnh, tài liệu hiện vật về trang phục, tư liệu sản xuất, mô hình nhà ở, chữ viết… của dân tộc Nùng. Công tác sưu tầm những tư liệu hiện vật quý báu về văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng sẽ được tiếp tục nhằm phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách ở trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022 đến nay, Sở VHTT&DL đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện một số tiểu dự án thành phần, trong đó có một số dự án tiêu biểu về phát huy giá trị DSVH dân tộc Nùng như: bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng phàn slình (Nùng Cúm Cọt) trên địa bàn huyện Cao Lộc; Kế hoạch tổ chức lớp truyền dạy nâng cao kỹ năng thực hành, trình diễn một số loại hình DSVH truyền thống dân tộc Nùng xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia…
Qua đây, nhiều nét văn hóa bị mai một đã được phục dựng, trở thành DSVH phi vật thể cấp quốc gia, sản phẩm du lịch đặc sắc như: nghi lễ Then và múa sư tử mèo, hát Sli…
Ông Nông Văn Hiện, nghệ nhân múa sư tử mèo người Nùng, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Từ năm 1986, tôi đã đứng ra thành lập đội múa sư tử thôn Hợp Tân. Từ đó đến nay, đội múa không ngừng lớn mạnh. Từ chỗ chỉ có 18 người, nay đội múa đã tăng lên 60 người với các lứa tuổi, trẻ nhất là 16 tuổi. Không chỉ truyền dạy ở xã, nhiều năm qua, tôi được Sở VHTT&DL tạo điểu kiện để tổ chức hoạt động, hỗ trợ truyền dạy điệu múa sư tử mèo cho người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tôi đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để mở một số lớp dạy múa sư tử tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Bắc Sơn, Văn Quan với hơn 200 học viên.
Thời gian tới, ngành VHTT&DL tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa để bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có dân tộc Nùng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị DSVH dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân.
“Để phát huy giá trị các DSVH của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, trong đó có dân tộc Nùng, những năm qua, hội đã đề xuất nhiều giải pháp và phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị tuyên truyền về di sản tại 11 huyện, thành phố; huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị DSVH; in các cuốn sách về DSVH dân tộc Nùng như "Người Nùng Cháo ở Nà Lầu sinh kế truyền thống và hiện đại”. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, khơi dậy tình yêu di sản trong thế hệ trẻ thông qua nhiều việc làm cụ thể như: phát động các cuộc thi tìm hiểu về DSVH thông qua các trang mạng xã hội, thi thuyết trình, làm lịch, vẽ tranh từ di sản…” Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh |
Ý kiến ()