Bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An
Khách du lịch tham quan quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình. |
Ninh Bình là một trong những địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ thế mạnh tiềm năng về tự nhiên và nhân văn, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu, khai quật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Năm 2009, Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 15/NQ-TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh triển khai hàng loạt các dự án nghiên cứu, khai quật, bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch tại các khu vực di tích và danh thắng trọng điểm như: khu di tích Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, quần thể danh thắng Tràng An và chùa Bái Đính. Cũng trong thời gian này, bằng nỗ lực và công sức của các cấp chính quyền, các ban, ngành và nhân dân Ninh Bình cùng sự tham gia phối hợp, giúp đỡ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thứ 31 trên toàn thế giới và thứ 11 ở châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời là di sản hỗn hợp đầu tiên của nước ta và khu vực Đông – Nam Á.
Ngay sau sự kiện này, tỉnh Ninh Bình đã kịp thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản cùng với quy định, quy chế quản lý, bảo vệ di sản. Hệ thống văn bản trên đã xác định một cách toàn diện về tầm nhìn, nguyên tắc, định hướng cơ bản việc bảo vệ, quản lý di sản; giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, có giải pháp giải quyết những vấn đề phát sinh. Do đó, việc gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch của Ninh Bình đạt được những kết quả tích cực. Các văn bản quy định về quản lý, bảo tồn di sản đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý và khoa học để các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhân dân thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức quần chúng và nhân dân trong tỉnh về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, nhất là nhân dân trong vùng di sản.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới, cho nên thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Bình gắn với di sản thế giới Tràng An đã được lan tỏa và quảng bá rộng rãi trên bình diện quốc tế, góp phần thu hút lượng khách đến với Ninh Bình ngày càng tăng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của địa phương, dần đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và của cả nước. Tuy nhiên, để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản, từng bước khai thác những giá trị này và đưa vào phục vụ đời sống dân sinh, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, vẫn cần tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập. Đó là các vấn đề như nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chưa đầy đủ về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường cảnh quan và tính toàn vẹn của di sản. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, cơ sở dịch vụ trái quy định trong vùng lõi của di sản; chưa có mốc giới phân định vùng lõi, vùng đệm của di sản, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ di sản của các địa phương. Sự phối hợp quản lý tài nguyên du lịch trong vùng di sản giữa các cấp, ngành với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm dẫn đến một số vụ, việc vi phạm về xây dựng, kinh doanh dịch vụ chậm được phát hiện, cho nên xử lý không kịp thời, dứt điểm.
Trong thời gian tới, để khắc phục những hạn chế nêu trên, bên cạnh việc tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định, khuyến nghị của UNESCO, Luật Di sản văn hóa và các nghị định, quyết định của Chính phủ liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch quản lý di sản và các quy định có liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Theo đó, cần tập trung vào giải pháp cơ bản nâng cao quản lý công tác bảo tồn, khai thác tài nguyên và môi trường du lịch, quản lý và ngăn ngừa các tác động của hoạt động du lịch đến cảnh quan, môi trường, nhất là các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trong khu di sản. Cộng đồng cần được tạo điều kiện để có thể tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch mà ở đó cuộc sống của dân cư liên quan trực tiếp. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm cho quy hoạch đi vào cuộc sống trên cơ sở những hiểu biết phong phú và cụ thể của cộng đồng đối với vùng đất nơi họ sinh sống, gắn bó và cả những thay đổi trong quá trình phát triển. Qua đó, cộng đồng dân cư có thể hiểu về những việc họ cần tham gia vào hoạt động du lịch để mang lại các đổi thay về kinh tế, thu nhập và có trách nhiệm hơn trong bảo vệ di sản. Việc nâng cao nhận thức trước hết phải bắt đầu từ lãnh đạo chính quyền cơ sở, lãnh đạo các đoàn thể và những người có uy tín. Cùng với đó, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống cho cộng đồng với nguồn kinh phí từ ngân sách và từ thu nhập của các hoạt động dịch vụ du lịch. Muốn vậy, nên có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương để một phần từ thu nhập du lịch sẽ được trích hỗ trợ cho cộng đồng và cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường. Tỉnh cũng nên quan tâm xây dựng các mô hình và cơ chế ưu đãi cụ thể, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch, như hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để thúc đẩy năng lực tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống, qua đó hạn chế các tác động đến tài nguyên, môi trường, góp phần cho phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam.
Với trách nhiệm trước những di sản vô giá của quốc gia và của nhân loại như Quần thể danh thắng Tràng An, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết quản lý, bảo tồn và giữ gìn khu di sản để trao truyền nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau, đồng thời phát huy bền vững và hiệu quả các giá trị của di sản, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của một khu di sản thế giới.
Ý kiến ()