Bảo tồn, phát huy giá trị di tích Xứ Lạng tứ trấn
– Xứ Lạng từ lâu vốn nổi tiếng là mảnh đất địa linh, nhân kiệt với nhiều trầm tích văn hóa theo suốt chiều dài lịch sử, trong đó, có bốn ngôi đền trấn giữ và “bảo vệ” thành cổ Lạng Sơn xưa (Xứ Lạng tứ trấn). Nhận thấy rõ giá trị của các di tích này, những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã và đang có nhiều việc làm thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của cụm di tích này.
Thành viên thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị Xứ Lạng tứ trấn khảo sát tại di tích đền Cửa Tây, thành phố Lạng Sơn
Theo các tư liệu lịch sử, thành cổ Lạng Sơn (Đoàn Thành) xưa có bốn cổng chính ở bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và tương ứng với bốn cổng này có bốn ngôi đền linh thiêng trấn giữ bảo vệ tòa thành bao gồm: đền Cửa Đông (Đông Môn Từ); đền cửa Tây (Tây Môn Từ); đền cửa Nam (Nam Môn Từ) và đền cửa Bắc (Bắc Môn Từ). Các đền này được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
PGS.TS Đinh Quang Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, tác giả tham luận “Thực trạng những di tích còn lại của Đoàn thành Lạng Sơn – Một vài kiến nghị bảo tồn, tu bổ” tại hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di tích và lễ hội Xứ Lạng tứ trấn” khẳng định: Di tích Đoàn thành Lạng Sơn cùng với Xứ Lạng tứ trấn là cụm di tích đặc biệt, bởi có sự gắn kết giữa kiến trúc quân sự với kiến trúc nghệ thuật dân gian, đã tạo nên một quần thể di tích độc đáo mà không mấy nơi có được. Cụm di tích này là di sản văn hóa có giá trị lớn về mặt lịch sử, giúp giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
“Cụm di tích Xứ Lạng tứ trấn nằm trong hệ thống di sản văn hóa tâm linh của tỉnh góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân trong và ngoài địa bàn thông qua các hoạt động du lịch. Cùng với hệ thống di tích tín ngưỡng tôn giáo, các lễ hội truyền thống tại 4 điểm di tích cũng là một tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh vô cùng hấp dẫn. Để phát huy những tiềm năng này, thời gian qua, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đã xây dựng nội dung, giới thiệu về các di tích trên ứng dụng du lịch thông minh của tỉnh, trên trang thông tin điện tử và trang fanpage của trung tâm. Cùng đó, trưng bày, giới thiệu tranh, ảnh về Xứ Lạng tứ trấn tại các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu về di tích đến du khách… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Di sản Văn hoá tỉnh và UBND thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá điểm đến, đồng thời khai thác tốt giá trị của các điểm di tích bằng cách kết nối 4 điểm di tích với nhiều điểm di tích khác trên địa bàn nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh”. Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám Đốc Trung tâm Thông tin Xúc Tiến Du lịch tỉnh |
“Phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của “Xứ Lạng tứ trấn” là một việc làm thiết thực và quan trọng để gìn giữ và lưu truyền cho thế hệ mai sau những vốn quý của cha ông. Thông qua hoạt động du lịch, các giá trị tinh thần và những triết lý sâu sắc của di sản tâm linh tại các địa phương sẽ được nhiều du khách, nhiều cộng đồng dân tộc biết đến. Vì lẽ đó, lễ hội truyền thống và các di tích tín ngưỡng tâm linh của Lạng Sơn cần tiếp tục tích cực phát huy và cần phải coi đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng phục vụ phát triển du lịch, là một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch của tỉnh”. |
Trải qua thời gian với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, các đền vẫn bảo tồn được kiểu kiến trúc nghệ thuật truyền thống và nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: văn bia, hoành phi câu đối, hệ thống tượng thờ cổ… Vì thế, các di tích này không chỉ là nơi lưu giữ các loại hình kiến trúc nghệ thuật mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân trong vùng và thu hút đông đảo du khách đến với Lạng Sơn. Theo thống kê của ban quản lý các ngôi đền, bình quân mỗi năm, các đền đón tiếp hàng nghìn lượt khách hành hương, tham quan.
Chị Bùi Thị Minh Nguyệt, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, du khách tham quan tại đền Cửa Đông cho biết: Lạng Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như chùa Tam Thanh, thành nhà Mạc… trong đó có bốn ngôi đền: Cửa Tây, Cửa Bắc, Cửa Nam, Cửa Đông rất linh thiêng. Cứ đầu năm vào dịp tết tôi đều đưa gia đình lên tham quan, lễ bái.
Thời gian qua, song song với việc chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, UBND cấp huyện luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, coi đó là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch, trong đó có cụm di tích “Xứ Lạng tứ trấn”. Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị của “Xứ Lạng tứ trấn”; hoàn tất việc khoanh vùng bảo vệ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 đền: Cửa Đông, Cửa Tây và Cửa Bắc. Đồng thời, chúng tôi cũng hướng dẫn thành lập ban quản lý di tích, bộ phận thường trực di tích của cụm di tích; phối hợp với các nhà đền thực hiện thường xuyên công tác tu bổ di tích. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quảng bá giới thiệu hình ảnh, giá trị của “Xứ Lạng tứ trấn” đến du khách trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các lễ hội truyền thống tại 4 điểm di tích cũng là một tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh vô cùng hấp dẫn. Chính vì vậy, năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa Tứ trấn – Đoàn thành Lạng Sơn gắn với phát triển du lịch” do Hội Di sản Văn hóa tỉnh triển khai, thực hiện.
Theo đó, Hội Di sản Văn hóa tỉnh đã tiến hành điền dã, khảo sát, thu thập tài liệu; gặp các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, những người am hiểu về di sản, nhân chứng trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định tìm hiểu về lịch sử đất nước, vùng Lạng Sơn thời kỳ hình thành và tồn tại của Đoàn thành Lạng Sơn và Xứ Lạng tứ trấn…
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Khi được phục dựng thành công, lễ hội sẽ giới thiệu được cho du khách một cách sinh động về mảnh đất, con người Xứ Lạng trong quá khứ và hiện tại. Việc khai thác lễ hội trở thành sản phẩm của du lịch sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.
“Xứ Lạng tứ trấn” với bốn ngôi đền cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc, cửa Nam trấn giữ thành cổ Lạng Sơn mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, những bài học lịch sử quý báu về quá trình giữ nước và mở mang bờ cõi của các triều đại phong kiến xưa. Việc bảo tồn, phát huy giá trị cụm di tích này sẽ góp phần quan trọng bảo tồn bản sắc văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch.
HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI
Ý kiến ()