Bảo tồn, phát huy giá trị di tích chùa Bắc Nga
– Là một trong những di tích tiêu biểu của huyện Cao Lộc, Tiên Nga Tự (chùa Bắc Nga) chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc. Những năm qua, chính quyền và Nhân dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc đã có nhiều giải pháp tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, tạo tiền đề cho phát triển du lịch của địa phương.
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khởi đầu là ngôi miếu nhỏ được các công thần, văn sĩ dựng lên để thờ Tiên gắn với câu chuyện các nàng tiên nữ xuống nơi đây. Khi khởi dựng, chùa được xây dựng bằng gạch, mái lợp ngói, gồm 1 gian tiền tế thờ công đồng và 1 gian hậu cung thờ Tam Bảo. Chùa còn lưu giữ được một số hiện vật quý như các bức hoành phi, đôi câu đối, bát hương cổ, văn bia ghi lại việc trùng tu chùa… Ngôi chùa là biểu tượng của sự giao thoa các lớp tín ngưỡng, tôn giáo đặc trưng gồm đạo thờ Tiên, đạo Phật, tục thờ Mẫu. Năm 2002, chùa Bắc Nga được Chủ tịch UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố.
Thành viên Ban Quản lý di tích chùa Bắc Nga nghiên cứu văn bia đang lưu giữ tại chùa
Một ngày cuối tháng 11/2021, chúng tôi có dịp đến chùa Bắc Nga. Hình ảnh mà chúng tôi ấn tượng đó là một ngôi chùa bề thế, khang trang, hệ thống đồ thờ tự được bài trí hợp lý, tạo cho du khách cảm giác thư thái, thanh tịnh nơi cõi Phật. Ông Đặng Văn Giang, Phó Trưởng Ban quản lý chùa Bắc Nga cho biết: Trung bình mỗi năm, chùa Bắc Nga đón hơn 15.000 lượt khách tham quan, lễ bái. Đặc biệt, vào dịp lễ hội truyền thống (ngày 15 tháng Giêng), lượng du khách có thể tăng lên gấp đôi. Do vậy, để đảm bảo di tích được sạch sẽ, tôn nghiêm, hằng ngày, chúng tôi thay phiên nhau trông coi, quét dọn ở chùa.
Với sự trân trọng những giá trị của tiền nhân để lại, thời gian qua, UBND xã Gia Cát đã tích cực thực hiện các giải pháp để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị ngôi chùa cổ này. Cụ thể, năm 2014, UBND xã đã thành lập Ban Quản lý chùa gồm 7 người, nhiệm kỳ 3 năm kiện toàn một lần, trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã trực tiếp làm Trưởng ban. Ban Quản lý di tích có nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ các yếu tố gốc của chùa như tượng phật, bia đá, ban bệ thờ, nhà cửa, vật kiến trúc; theo dõi và kiểm kê tài sản đúng theo quy định hiện hành. Đồng thời, từ năm 2016 đến năm 2020, UBND xã và Ban Quản lý chùa đã vận động, kêu gọi nguồn kinh phí xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo một số hạng mục của chùa như: lát đường lên chùa, làm đường và sân bê tông, trát lại tường, sửa ngói, lát lại nền xung quanh chùa… với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND xã đã chỉ đạo bộ phận văn hóa đăng tải các bài viết tuyên truyền giá trị của chùa trên trang thông tin điện tử của xã; lồng ghép các buổi họp thôn để tuyên truyền phổ biến Luật Di sản văn hóa và các quy định liên quan đến các tầng lớp Nhân dân, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di tích này.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý chùa Bắc Nga cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị chùa Bắc Nga. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu liên quan đến di tích, củng cố hồ sơ pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị di tích; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi làm ảnh hưởng đến di tích, quản lý nguồn thu tại di tích đúng theo quy định.
Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Chùa Bắc Nga là di tích tiêu biểu, quan trọng trong 24 điểm, khu di tích trên địa bàn huyện Cao Lộc, chùa cũng là một địa điểm tham quan nằm trong 7 tuyến du lịch của huyện. Để quảng bá rộng rãi và phát huy giá trị di tích này, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND xã Gia Cát thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Phòng cũng sẽ tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo triển khai Đồ án quy hoạch tổng thể Khu lưu niệm di tích khu du kích Ba Sơn, xã Xuất Lễ và di tích chùa Bắc Nga, xã Gia Cát được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2577/QĐ-UBND ngày 18/12/2018 có tổng diện tích 14,5 ha. Trong đó, phòng sẽ tham mưu thực hiện mục tiêu như: quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích thành một quần thể di tích văn hóa hoàn chỉnh, thống nhất về tổng thể kiến trúc, cảnh quan di tích; xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu, góp phần phát triển đời sống văn hóa, xã hội và phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo…
Ý kiến ()