Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Những kết quả tích cực
LSO-Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) nói chung, DSVH phi vật thể nói riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã, đang thu được những kết quả tích cực.
LSO-Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) nói chung, DSVH phi vật thể nói riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã, đang thu được những kết quả tích cực. Quan trọng hơn, qua đó tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân.
Hát sli – nét bản sắc trong ngày hội văn hóa xã Hải Yến (Cao Lộc) hàng năm |
Theo đó, từ những chủ trương, định hướng đúng đắn, các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp về bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể trên địa bàn. Từ năm 1998 đến nay, bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách, tỉnh đã tiến hành triển khai được 26 dự án nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, truyền dạy DSVH phi vật thể với tổng kinh phí là 2,191 tỷ đồng. Trong đó có 16 dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia, 4 dự án ngân sách tỉnh, 3 dự án ngân sách huyện và 3 dự án từ nguồn vốn sự nghiệp văn hóa khác.
Đặc biệt, đối với hoạt động truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ đã có nhiều cách làm hay. Các hoạt động được triển khai như mở các lớp truyền dạy; khuyến khích xã hội hóa các câu lạc bộ (CLB) hát then đàn tính, các nghệ nhân tại cơ sở tham gia truyền dạy cho hội viên và quần chúng nhân dân yêu thích các làn điệu dân ca. Ngành văn hóa đã tổ chức các lớp hát then, đàn tính cho các hạt nhân văn nghệ quần chúng. Từ đó làm nòng cốt, tạo dựng phong trào, truyền dạy tại cơ sở. Cùng với đó, tích cực đưa loại hình hát then vào chương trình đào tạo của Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh; chỉ đạo Đoàn Nghệ thuật, Trung tâm VHTT tỉnh thường xuyên sưu tầm, khai thác chất liệu dân ca, dân vũ dân tộc vào việc dàn dựng, chỉnh lý, nâng cao các chương trình, tiết mục mới với định hướng trên 70% số tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc để phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, đất nước; thực hiện tốt công tác xã hội hóa, phát triển các CLB hát then, đàn tính. Đáng chú ý, góp phần vào công tác trên đó là sự ra đời và hoạt động tích cực của Hội Bảo tồn dân ca (BTDC) các dân tộc tỉnh (2010). Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội BTDC các dân tộc tỉnh cho biết, vấn đề giữ gìn và phát huy dân ca luôn được tỉnh quan tâm. Việc cho phép thành lập Hội BTDC các dân tộc tỉnh chính là thể hiện sự quan tâm sâu sắc đó… Hiện tại khu vực thành phố Lạng Sơn, huyện Văn Quan, Cao Lộc đã, đang có xu hướng phát triển mạnh các CLB hát then, truyền dạy hát then đàn tính cho hội viên và học sinh, sinh viên trong các trường học. Để dân ca dân tộc đến gần với công chúng hơn, hàng năm các hội viên Hội BTDC các dân tộc tỉnh thường xuyên có mặt tham gia trình diễn, giao lưu tại nhiều lễ hội xuân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, làm cho dân ca có nhiều điều kiện được phát huy, phát triển và quảng bá sâu rộng hơn.
Trong bảo tồn, phát huy DSVH phi vật thể còn phải kể tới việc bảo tồn, phát huy lễ hội. Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 340 lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau và chủ yếu diễn ra vào tháng giêng và tháng hai âm lịch. Công tác phục dựng các lễ hội đặc sắc bị gián đoạn nhiều năm được đẩy mạnh, nhận được sự hưởng ứng của nhân dân; tiêu biểu gần đây là các lễ hội: Ná Nhèm, xã Trấn Yên (Bắc Sơn), lễ hội Háng Ví, xã Chiến Thắng (Chi Lăng)… Từ năm 2002 đến nay, tỉnh thường xuyên tổ chức khai mạc lễ hội xuân Xứ Lạng, thu hút hàng chục vạn lượt khách tham quan hằng năm, thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Bá San, Quyền Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh, hàng năm, việc tổ chức các lễ hội gắn với các di tích tiêu biểu luôn được thực hiện tốt. Bởi qua đó, gắn kết được việc phát huy giá trị của DSVH vật thể và phi vật thể…
Cùng với các vấn đề trên, việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số như tiếng nói, chữ viết dân tộc; trang phục, nhà cửa truyền thống; nghệ thuật trình diễn dân gian; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian;… cũng rất được quan tâm. Có thể khẳng định, công tác bảo tồn, phát huy vốn DSVH phi vật thể của tỉnh luôn được chú trọng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên nhiều loại hình DSVH phi vật thể của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn chưa có điều kiện bảo tồn kịp thời, hiệu quả.
Trong kế hoạch của tỉnh từ nay đến năm 2015 cũng đã đề ra nội dung, mục tiêu, tiến độ thực hiện việc tổng kiểm kê và lập hồ sơ DSVH phi vật thể. Trong đó, lựa chọn khoảng 15 – 20 DSVH phi vật thể trên địa bàn tỉnh đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng và phổ biến một số loại hình DSVH phi vật thể; xây dựng các môi trường trao truyền, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50 – 60% chi hội BTDC, chi hội văn học – nghệ thuật ở các huyện, thành phố được thành lập và đưa vào hoạt động.
HOÀNG THỊNH
Ý kiến ()