Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Hưng Yên là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hiện đang được khai thác gắn với phát triển du lịch.
Phố Hiến xưa, nay là thành phố Hưng Yên là vùng đất được bồi lắng bởi phù sa sông Hồng. Với không gian văn hóa mang đậm dấu ấn một thời vàng son, nổi danh với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, đây cũng là nơi bảo tồn, lưu giữ 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật; trong đó, có Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, cùng 20 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh, hơn 100 bia ký và hàng nghìn cổ vật có giá trị.
Những dấu ấn xưa...
Trưởng ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến Nguyễn Thị Hòa cho biết: Khu di tích Phố Hiến ngày nay vẫn còn nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, minh chứng cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một “Tiểu Tràng An” xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc.
Trong quần thể di tích Phố Hiến hiện có nhiều di tích vẫn được bảo tồn, lưu giữ toàn bộ tính nguyên gốc từ nghệ thuật kiến trúc đến các giá trị lịch sử thể hiện đầy đủ các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn như: đền Mây thời Đinh; chùa Hiến thời Lý; đền Tân La, đền Kim Đằng thời Lê; đền Thiên Hậu thời Hậu Lê; đền Trần, đền Mẫu thời Nguyễn... Sự tập trung về di tích gắn với tâm linh, tín ngưỡng đã tạo cho Phố Hiến-Hưng Yên một bản sắc văn hóa đặc trưng.
Đáng chú ý, mỗi công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ kính ở thành phố Hưng Yên lại ẩn chứa một câu chuyện riêng của lịch sử, từ đó tạo nên những nét riêng độc đáo của mỗi lễ hội. Với 40 lễ hội truyền thống dân gian diễn ra hằng năm tại các di tích, điểm nhấn là Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến tổ chức vào tháng Ba âm lịch. Đây là hoạt động mở màn cho chuỗi lễ hội tại các di tích khiến không gian lễ hội như một dòng chảy liên tục kéo dài tới tận tháng 11 âm lịch.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có 1.803 di tích các loại, trong đó có ba di tích-cụm di tích quốc gia đặc biệt; 175 di tích cấp quốc gia; 272 di tích cấp tỉnh; 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia; 567 lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, phong tục Việt.
Cùng với đó, Hưng Yên còn có sáu di sản văn hóa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu là nghệ thuật trình diễn dân gian hát Trống quân.
Phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Đào Mạnh Huân cho biết: Hưng Yên có kho tàng di sản văn hóa khá đa dạng, phong phú; hiện nhiều di tích lịch sử-văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn, lưu giữ toàn bộ tính nguyên gốc. Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 8/10/2021) về Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trên cơ sở Nghị quyết số 13-NQ/TU, Ủy ban nhân dân các cấp cùng các sở, ban, ngành tỉnh Hưng Yên đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể thực hiện nghị quyết, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp được phân công; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những giá trị tiêu biểu hệ thống di sản văn hóa của tỉnh; nâng cao nhận thức của người dân tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử.
Chính quyền các cấp chủ động lập quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện tu bổ, tôn tạo hàng trăm di sản văn hóa, di tích lịch sử; thực hiện quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến, quần thể di tích lịch sử quốc gia đình Đại Đồng, chùa Nôm gắn với phát triển du lịch, mở rộng Khu di tích lịch sử đại danh y Hải Thượng Lãn Ông-Lê Hữu Trác, Văn Miếu Xích Đằng...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, xếp hạng cấp quốc gia đối với một số di tích, khu di tích; lựa chọn hiện vật có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa để lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xem xét công nhận bảo vật quốc gia. Các sở, ngành chuyên môn cùng các địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, như: Điểm du lịch đền Phù Ủng, điểm du lịch đền Dạ Trạch, điểm du lịch đền Đậu An và điểm du lịch Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt...
Điểm nhấn trong việc khai thác tiềm năng du lịch của Hưng Yên trong những năm tới là thực hiện dự án Xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng (tổng mức đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng); khôi phục đô thị cổ Phố Hiến... qua đó phát huy giá trị các di sản văn hóa, khai thác phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh.
Ý kiến ()