Bảo tồn, phát huy giá trị các hiện vật, di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh
– Mặc dù thời gian đã lùi xa nhưng nhiều hiện vật, di tích của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh vẫn còn được lưu giữ. Những di tích, hiện vật này giúp các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay hiểu hơn về lịch sử địa phương, bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, xây dựng quê hương phát triển.
Thuyết minh viên Nhà Trưng bày chiến thắng Chi Lăng giới thiệu đến du khách ý nghĩa của ảnh tư liệu về địa điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh
Cuộc khởi nghĩa do Hoàng Đình Kinh lãnh đạo nổ ra từ năm 1882, kết thúc năm 1888. Mặc dù chỉ diễn ra trong 6 năm nhưng bài học quý báu về tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của Nhân dân ta còn vẹn nguyên. Hiện nay, những di tích, hiện vật về cuộc khởi nghĩa này vẫn đang được lưu giữ tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Những di tích, hiện vật còn hiện hữu
Những ngày đầu tháng 11/2023, theo Quốc lộ 1A, phóng viên Báo Lạng Sơn đến xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, mảnh đất sinh sống của nhiều thế hệ hậu duệ dòng họ Hoàng Đình. Đón tiếp chúng tôi tại nhà thờ dòng họ, ông Hoàng Đình Đức, hậu duệ đời thứ 7 của dòng họ Hoàng Đình tự hào cho biết: Hiện nay, tại nhà thờ họ có lưu giữ trên 10 hiện vật về cuộc khởi nghĩa, chủ yếu là những vũ khí đã được nghĩa quân Hoàng Đình Kinh trong suốt quá trình hoạt động. Hằng ngày, tôi vẫn thường đến quét dọn tại nhà thờ và khu vực gian trưng bày các hiện vật. Mỗi khi có người đến tham quan, tôi đều giới thiệu cho họ nghe về cuộc khởi nghĩa và công lao đóng góp của ông.
Không riêng nhà thờ họ Hoàng Đình, theo thống kê của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh, hiện có 21 điểm, cụm di tích tiêu biểu phân bố tại 6 huyện thuộc địa bàn tỉnh và 13 hiện vật đang được quản lý, lưu giữ tại các bảo tàng trong và ngoài tỉnh cũng như trong Nhân dân. Một số di tích tiêu biểu như: di tích hang Lân Điêng và hang Vỉ Ruồi (thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng), đây là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân giai đoạn đầu Pháp tiến đánh lên Lạng Sơn (1884 – 1885); di tích đồn Than Muội (thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng) là nơi ghi dấu hai chiến công nổi tiếng của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh chống Phỉ (Trung Quốc) và quân tiếp viện Pháp…
Bên cạnh các di tích, hiện vật cũng là một trong những cứ liệu lịch sử quan trọng về cuộc khởi nghĩa. Một số hiện vật tiêu biểu như kiếm của nghĩa quân sử dụng trong trận Pháp tấn công lên Lạng Sơn tháng 4/1884 (trận Cầu Quan Âm) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn; áo vóc vàng của Hoàng Đình Kinh và đôi áo Tàn do tướng lĩnh nhà Thanh (Trung Quốc) ban tặng vì ông có công dẹp giặc phỉ đời nhà Thanh (Trung Quốc), hiện đang được Nhân dân lưu giữ tại Chùa Sơn Lộc (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng).
Ông Nguyễn Quang Huynh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta” cho biết: Đề tài nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh được chúng tôi triển khai thực hiện trong 18 tháng (từ 6/2020 đến hết 12/2021) và được Hội đồng khoa học tỉnh thẩm định, nghiệm thu tháng 1/2022. Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, chúng tôi đã tiến hành điền dã, điều tra thực tế tại một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, qua đó, phát hiện được nhiều tư liệu có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh, trong đó có nhiều di tích, hiện vật có giá trị, làm sâu sắc thêm những thông tin về cuộc khởi nghĩa. Những di tích, hiện vật này là minh chứng sinh động, sâu sắc của lịch sử quê hương đất nước, có giá trị giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau, đồng thời đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và góp phần phát triển du lịch, kinh tế – xã hội của địa phương.
Năm 1882, thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, chiếm Hà Nội và một số tỉnh; triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp bằng việc ký hiệp ước Hác – măng (năm 1883), rồi sau đó là hiệp ước Pa – tơ – nốt (năm 1884). Hoàng Đình Kinh không khuất phục và nghe theo triều đình nhà Nguyễn bãi binh đầu hàng Pháp, ông đã hưởng ứng lời kêu gọi của một số quan lại chủ chiến các tỉnh như: Lã Xuân Oai, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục khởi nghĩa chống Pháp. Năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến, Hoàng Đình Kinh tổ chức nghĩa quân chống Pháp ở vùng núi Cai Kinh. Mãi đến cuối năm 1888, khi ông hy sinh, phong trào mới bị dập tắt |
Bảo tồn, giáo dục truyền thống
Để phát huy giá trị những tư liệu lịch sử quý giá này và thực hiện chỉ đạo của cấp trên, những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Những năm qua, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến các sự kiện lịch sử nói chung và cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh nói riêng và đưa vào bảo quản, trưng bày trong các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, chúng tôi cũng sử dụng hiện vật phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các huyện, thành phố.
Song song với đó, bảo tàng đã số hóa tư liệu hình ảnh đưa lên trang tin điện tử của bảo tàng. Đặc biệt, bảo tàng cũng chọn một số hiện vật tiêu biểu về cuộc khởi nghĩa trưng bày trong không gian mang chủ đề “Lạng Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống pháp” tại tầng 2 nhà trưng bày nhằm giới thiệu đến du khách tham quan.
Được biết, hiện nay, các bảo tàng, nhà trưng bày trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ gần 100 tài liệu, ảnh, hiện vật lịch sử – cách mạng gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh. Trong số những hiện vật lịch sử được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, nhiều người bị thu hút bởi hình ảnh Nòng súng hỏa mai – nghĩa quân Hoàng Đình Kinh dùng để đánh Pháp ở Hữu Lũng năm 1880… Đây là những hiện vật tiêu biểu giúp người xem hồi tưởng lại quá trình vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh cam go, ác liệt của Nhân dân Lạng Sơn thời kỳ đó.
Những năm qua, các địa điểm này đón rất nhiều đoàn khách, học sinh, người dân đến tham quan. Hằng năm, các cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các bảo tàng, nhà trưng bày tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại. Ông Hoàng Văn Thắng, người dân phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi rất quan tâm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của Lạng Sơn, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa do Hoàng Đình Kinh lãnh đạo cuối thế kỷ XIX. Vì vậy tôi thường kết hợp giữa việc tìm đọc những tài liệu có liên quan đến cuộc khởi nghĩa này với việc đến Bảo tàng tỉnh quan sát thực tế hiện vật của cuộc khởi nghĩa. Những vũ khí, hình ảnh cùng lời chú thích ngắn gọn tại bảo tàng đã giúp tôi hình dung rõ nét, sâu sắc hơn về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh. Qua đây, giúp tôi thêm tự hào về lịch sử quê hương và biết ơn sâu sắc đối với tấm lòng yêu nước và sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.
Đặc biệt, tháng 10/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức phát hành cuốn sách “Cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh (1882 – 1888)” do ông Nguyễn Quang Huynh làm chủ biên. Cuốn sách gồm 312 trang, 4 chương. Trong đó có khảo cứu, hệ thống, cung cấp thông tin rõ nét về các di tích, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh để cung cấp đến người đọc.
Từ thực tế trên cho thấy, những hình ảnh, hiện vật, kỷ vật về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh được bảo tồn, phát huy không chỉ góp phần “soi sáng” lịch sử mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của Nhân dân Lạng Sơn đối với các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc, từ đó thêm tự hào về truyền thống, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ý kiến ()