Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
- Lạng Sơn là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, H’mông... Mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa, phong tục tập quán riêng biệt. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa quý giá, ẩn chứa nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch. Nhận thức được điều đó, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Lạng Sơn có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm hơn 80% dân số của cả tỉnh, trong đó có 7 dân tộc chính, gồm: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán chay, H’Mông. Các dân tộc đều có những di sản văn hóa (DSVH) vật thể (trang phục, nhà cửa...) và phi vật thể (dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, tín ngưỡng...) riêng tạo nên sự đa dạng văn hóa của Lạng Sơn.
Sự đa dạng và đặc sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số
Dân tộc Nùng là dân tộc có số lượng người đông nhất ở Lạng Sơn, chiếm hơn 40% dân số của cả tỉnh. Cùng với ngôn ngữ thì dân ca là một trong những thành tố tạo nên bản sắc của đồng bào Nùng, trong đó tiêu biểu phải kể tới hát Sli. Sli trong tiếng Nùng nghĩa là “thơ”, hát Sli là hình thức hát giao duyên thể hiện qua các câu thơ, được biểu diễn dưới dạng đối đáp giữa các cặp nam nữ.
Ông Phùng Văn Muộn, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Thông thường Sli có 3 lối hát cơ bản là hát nói (đọc thơ); xướng Sli (ngâm thơ) và dằm Sli hoặc nhằm Sli (lên giọng hát). Ở Lạng Sơn hiện nay có 4 ngành Nùng chính, trong đó, Nùng Cháo có Sli Slình Làng; Nùng Phàn Slình có Sli Sloong Hao; Nùng An có hát Hèo... Năm 2019, hát Sli của người Nùng tỉnh Lạng Sơn đã được đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2966/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL).
Nếu như dân tộc Nùng nổi tiếng với hát Sli thì dân tộc H’Mông lại được “nhận diện” bằng bộ trang phục cầu kỳ, đẹp mắt. Dân tộc H’Mông ở Lạng Sơn được chia thành 2 nhánh gồm H’Mông đen và H’Mông trắng với khoảng gần 1.600 người, tập trung chủ yếu ở các xã: Cao Minh, Khánh Long của huyện Tràng Định; xã Nhất Tiến, Nhất Hòa của huyện Bắc Sơn. Trang phục của người H'Mông cầu kỳ, tinh tế, là một trong số những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất trong cộng đồng các dân tộc ít người ở Lạng Sơn.
Bà Trịnh Thị Khén, dân tộc H’Mông đen, thôn Khuổi Làm, xã Cao Minh, huyện Tràng Định chia sẻ: Trang phục của dân tộc H’Mông đen được làm khá cầu kỳ. Trang phục nữ gồm: khăn đội đầu, áo, yếm, váy, xà cạp. Áo phụ nữ thường là áo xẻ ngực nên phụ nữ H’Mông Đen thường mặc yếm. Cổ yếm thêu hoa văn. Váy thường là váy đen ngắn đến đầu gối. Xà cạp là miếng vải đen dài chừng một sải tay gấp lại dùng để cuốn quanh bắp chân, hai đầu miếng vải có hai dây buộc màu đỏ thêu hoa văn... Trang phục nam của người H’Mông đen hầu như giống với các nhóm H’Mông khác, đều có áo, thắt lưng, quần.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số tiêu biểu của Lạng Sơn. Nhìn vào bức tranh chung về văn hóa các dân tộc, Lạng Sơn có những DSVH vật thể, phi vật thể vô cùng đặc sắc và đa dạng như: các làn điệu dân ca Then, Sli, Lượn, múa sư tử mèo; trang phục truyền thống các dân tộc; các làng nghề thủ công truyền thống. Lạng Sơn hiện có 9 di sản đã được Bộ VHTT&DL ghi vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia (trong đó phần lớn là những di sản của cộng đồng các dân tộc thiểu số; 2 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).
Những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số này không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch, quan trọng hơn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất và con người Xứ Lạng. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh chứa đựng những giá trị to lớn mà tỉnh Lạng Sơn sở hữu.
Từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả
Với tiềm năng sẵn có và nhận thức đúng đắn về vai trò của các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, ban hành nhiều kế hoạch, đề án có liên quan. Cụ thể năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 117 về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 35,3 tỷ đồng; năm 2021, ban hành Quyết định số 741 về việc phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030”; năm 2022, ban hành Kế hoạch số 42 về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” với tổng kinh phí khoảng hơn 80 tỷ đồng...
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở VHTT&DL đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn; rà soát, kiểm kê và lập danh mục DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về DSVH phi vật thể của các dân tộc thiểu số… Bảo tồn một số làng văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống của người Tày, Nùng (làng nghề làm ngói âm dương, đan lát, trang phục truyền thống…); lấy DSVH các dân tộc là nền tảng, động lực để phát triển du lịch; tăng cường tổ chức các chương trình, sự kiện VHTT&DL nhân dịp các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước, trong đó ưu tiên phần biểu diễn các tiết mục hát Sli, Then và trình diễn di sản các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh...
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, Sở VHTT&DL đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến và thực hiện Luật DSVH và các văn bản liên quan tới 11/11 huyện, thành phố cho hàng nghìn lượt người. Cùng đó, các cơ quan liên quan đã tổ chức được hơn 20 hội thảo, hội nghị tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị DSVH các dân tộc trên địa bàn tỉnh; biên tập, đăng tải 5.000 tin, bài, phóng sự về công tác bảo tồn và phát huy vốn DSVH các dân tộc.
Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022 đến nay, Sở VHTT&DL đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện một số tiểu dự án thành phần. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 12 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc, truyền dạy các kiến thức, thực hành trình diễn một số loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian... góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, chính quyền 11 huyện, thành phố đã hỗ trợ hoạt động cho 140 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tổ chức ngày hội thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư 18 bộ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Văn hóa truyền thống các dân tộc, bao gồm các yếu tố như tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật dân gian; lễ hội, tín ngưỡng… đã hòa quyện tạo thành sức mạnh cổ vũ, động viên biết bao thế hệ trong chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Trong giai đoạn phát triển mới, Lạng Sơn đang cùng cả nước nỗ lực xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản bản sắc.
Ý kiến ()