Bảo tồn những cây thuốc quý trên đỉnh Mẫu Sơn
– “Núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Tuy nhiên, nguồn dược liệu này đang dần cạn kiệt, có nguy cơ tuyệt chủng. Trước thực trạng trên, Hội Đông y (HĐY) xã Mẫu Sơn đã thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong khai thác dược liệu hợp lý, vận động hội viên trồng dược liệu tại vườn nhà với mong muốn bảo tồn được những cây thuốc này”. Đó là đánh giá của bà Hoàng Thị Bày, Chủ tịch HĐY huyện Lộc Bình khi nói về việc bảo tồn những cây thuốc quý của HĐY xã.
Những ngày đầu tháng 7/2021, chúng tôi có dịp cùng cán bộ HĐY xã Mẫu Sơn đến thăm khu vườn trồng các loại cây dược liệu của gia đình bà Hoàng Múi Nảy, thôn Nà Mò, hội viên HĐY xã Mẫu Sơn. Chỉ cho chúng tôi công dụng của từng loại cây, bà Nảy cho biết: Từ năm 2011 đến nay, sau khi tham gia HĐY xã, tôi được hướng dẫn cách trồng cây dược liệu tại nhà nên mỗi khi đi làm rừng thấy những cây thuốc quý, tôi không chỉ hái đem về phơi mà còn đem về trồng tại gia đình. Vườn nhà tôi hiện có hơn 30 loại cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây quý hiếm như: bảy lá một hoa, ba kích, thanh hao hoa vàng… Vườn dược liệu tạo thuận lợi cho tôi khám, bốc thuốc, tăng thêm thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Hội viên Hội Đông y Mẫu Sơn chăm vườn cây dược liệu của gia đình
HĐY xã Mẫu Sơn hiện có 17 hội viên. Bà Nảy là một trong số nhiều hội viên đem dược liệu quý về trồng tại gia đình. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 giống cây dược liệu được trồng xung quanh vườn nhà các hội viên HĐY với diện tích gần 5 sào, trong đó có nhiều loại cây quý hiếm như: sâm thổ cao ly, bạch chỉ, bảy lá một hoa, thanh hao hoa vàng… Bà Đặng Thị Mùi, Chủ tịch HĐY xã cho biết: Những năm gần đây, nhiều loại cây dược liệu quý như: lan kim tuyến, bảy lá một hoa, kê huyết đằng… trên địa bàn xã đứng trước nguy cơ cạn kiệt, thậm chí tuyệt chủng bởi tình trạng khai thác tràn lan. Trước thực trạng đó, khoảng chục năm nay, HĐY xã tập trung tuyên truyền đến người dân, hội viên cách thức khai thác hợp lý và vận động hội viên trồng dược liệu tại vườn nhà để bảo tồn những cây thuốc này.
Theo đó, trong các buổi sinh hoạt HĐY của xã, hội viên được tuyên truyền cách khai thác nguồn dược liệu sao cho hợp lý để đảm bảo cây vẫn có thể mọc và phát triển thêm. Đồng thời, hội viên được hỗ trợ, hướng dẫn đem giống cây dược liệu từ rừng về trồng tại vườn nhà. Đặc biệt, hội nhân rộng mô hình của các hội viên đã trồng thành công để các hội viên khác học tập và thực hiện. Ngoài ra, HĐY xã còn phối hợp với HĐY huyện tổ chức đưa hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây thuốc và các bài thuốc hay từ các tỉnh bạn như Hải Phòng, Hà Tĩnh…
Nhờ đó, đến nay, tất cả hội viên đều có ý thức bảo tồn các loại cây dược liệu quý hiếm trên đỉnh Mẫu Sơn, 17/17 hội viên đều trồng cây dược liệu tại nhà. Tuy chưa có khu trồng dược liệu tập trung nhưng mỗi hội viên đều chủ động đem cây dược liệu về trồng thử nghiệm tại vườn nhà, đến nay đã có nhiều cây sinh trưởng, phát triển tốt. Từ những cây dược liệu này, các hội viên đã tạo thành nhiều bài thuốc dân gian hữu hiệu trong điều trị bệnh, mang lại thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/hội viên/tháng. Theo báo cáo của HĐY xã, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn hội khám bệnh cho hơn 500 lượt bệnh nhân, bốc gần 800 thang thuốc, châm cứu cho 15 lượt người…
Bà Đặng Thị Múi, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, hội viên HĐY xã cho biết: Nhận thấy tầm quan trọng của các loại dược liệu quý, thời gian qua, tôi đã nghiên cứu kỹ thuật nấu cao từ các loại dược liệu này và thu mua thêm cây dược liệu từ các hộ trồng được để nâng cao sản lượng cao. Nhờ đó, thu nhập trung bình từ việc bán cao dược liệu thành phẩm đạt 5 triệu đồng/tháng.
Việc trồng cây dược liệu tại nhà không chỉ góp phần bảo tồn các loại cây thuốc quý trên đỉnh Mẫu Sơn tránh khỏi nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng mà đã giúp tăng thu nhập cho người dân xã Mẫu Sơn. Thời gian tới, HĐY xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích hội viên trồng thêm nhiều loại cây thuốc và nhân rộng diện tích trồng tại gia đình.
Ý kiến ()