Trên thực tế, trong khoảng vài năm trở lại đây, mặc dù chưa có chủ trương của Sở GD&ĐT nhưng nhiều trường nhận thức được tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật dân ca nên đã mạnh dạn đưa vào thí điểm trong một số giờ giảng của bộ môn Âm nhạc, hiệu ứng ban đầu rất tốt và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh. Điển hình có thể kể tới một số trường như Tiểu học, THCS xã Hoàng Văn Thụ; THCS xã Thanh Long, xã Thụy Hùng; Trường Nội trú, trường Tiểu học, THCS thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng); trường Tiểu học Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn); trường Tiểu học Tri Lễ, Trường nội trú, Trường THPT Lương Văn Tri (huyện Văn Quan)… Từ hiệu quả tích cực trong một số trường học, ông Nhân chia sẻ: Tới đây, hội sẽ chủ động phối hợp với một số sở, ngành, đoàn thể nhằm nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa dân ca của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hội cũng đang xây dựng đề tài, công trình nghiên cứu với chủ đề: “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thích hợp để bảo tồn, phát huy nét đặc sắc của dân ca các dân tộc Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển”.
LSO-Hiện nay, trong tâm trí của du khách đến với Lạng Sơn đều ấn tượng với những hình ảnh áo chàm, nhà sàn, văn hóa ẩm thực với các món như lợn quay, vịt quay, khau nhục…đã trở thành đặc sản và cả những điệu then, sli, lượn tạo nên bản sắc văn hóa cũng như “thương hiệu” rất riêng của tỉnh Lạng Sơn. Trong mạch nguồn văn hóa dân ca các dân tộc ấy, nghệ thuật hát then thực sự là một loại hình nghệ thuật, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được đông đảo nhân dân, đặc biệt là dân tộc Tày và Nùng ở Lạng Sơn ưa thích.
Theo chữ Hán, then được đọc là thiên, nghĩa là trời, phật, người Tày mượn từ then – thiên để xưng trời, phật, bởi theo quan niệm của họ Phật lớn là người cai quản ở cõi trời. Cho đến nay, chưa có định nghĩa rõ ràng nhưng những người yêu thích nghệ thuật then đều cho rằng then là tiên, là con của trời, những người làm then có nhiệm vụ giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng và Long Vương, làm then cũng chính là họ được Ngọc Hoàng phái xuống giúp người trần gian cầu mong được sự tốt lành, yên bình.
|
Then mới được biểu diễn trên sân khấu phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân hiện nay |
Theo quan niệm hiện nay, then có 2 dòng là then cổ và then mới. Để phân biệt 2 dòng then này, nếu đi sâu nghiên cứu thì sẽ có rất nhiều đặc điểm để nói, song chỉ dựa theo một số đặc điểm như mục đích, cách thể hiện, lời ca, giai điệu sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. Nghệ sĩ ưu tú Triệu Thủy Tiên chia sẻ: Then cổ gắn với yếu tố tâm linh thể hiện mong muốn, tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng, có quy trình đường then theo bài bản, chương, đoạn, hồi do những ông then, bà then có khả năng đặc biệt được cấp sắc mới được phép biểu diễn. Then cổ có lời ca, giai điệu hay, rộn ràng. Còn đối với then mới hiện nay, mục đích phục vụ các nhiệm vụ chính trị mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, chuyển tải thông tin về các vấn đề, sự kiện quan trọng… được các nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn, thể hiện, phục vụ sinh hoạt văn hóa đời thường. Trong ngôn ngữ lời ca, giai điệu có sử dụng tiếng dân tộc Kinh, đưa âm nhạc mới, hiện đại vào trong các ca khúc mang âm hưởng của then.
Nói về nghệ thuật hát then hiện nay, phần đông lớp trẻ chưa thật sự mặn mà với loại hình nghệ thuật này, bởi sự đa dạng của các loại hình văn hóa khác với những tiết tấu hiện đại, sôi động hơn. Và hơn hết là bản thân lớp trẻ ngày nay ít người biết tiếng dân tộc Tày, Nùng, do đó từ không biết, không hiểu dẫn đến việc không yêu thích là lẽ thường tình. Ông Vi Hồng Nhân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTT&DL, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn cho rằng: thưởng thức nghệ thuật then trước hết cần hiểu được đó là loại hình nghệ thuật gì, như thế nào, có hay không? Bởi có hay thì mới quý mà khi mọi người hiểu rằng đó là loại hình nghệ thuật quý giá, có giá trị thì mới có ý thức gìn giữ, bảo tồn.
Hiện nay, sự mai một của nghệ thuật hát then và những nghệ nhân hát then là vấn đề thực sự đáng quan tâm, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Do đó, năm 2010, một số người tâm đắc với các loại hình dân ca như ông Vi Hồng Nhân, nghệ sĩ ưu tú Thủy Tiên… đã đứng ra tập hợp những người yêu thích dân ca, trong đó có hát then và thành lập ra hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn vào tháng 8/2010. Sau hơn một năm thành lập, hiện nay Hội đã có khoảng 400 hội viên và trên 30 câu lạc bộ hoạt động ở các khu dân cư. Tính đến nay, hội đã mở được trên 15 lớp truyền dạy bộ môn nghệ thuật đàn và hát then cho các hội viên. Tại các câu lạc bộ, những hạt nhân của câu lạc bộ cũng mở được rất nhiều lớp truyền dạy cho các thành viên của câu lạc bộ mình.
Nói về việc thực hiện bảo tồn nghệ thuật hát then hiện nay, ông Vi Hồng Nhân cho rằng còn nhiều khó khăn. Bởi hát then là văn hóa phi vật thể tồn tại trong trí nhớ của con người, của các nghệ nhân. Nếu không có sự truyền dạy thì khi họ mất đi thì cũng mất luôn vốn quý của loại hình nghệ thuật này. Do đó, để có thể bảo tồn thì trước hết nên đưa hát then vào sinh hoạt cuộc sống cộng đồng như trong lễ hội, đám cưới… Mặt khác, có thể xem xét, nghiên cứu đưa hát dân ca, trong đó có hát then vào trong trường học để truyền dạy cho các em những nét cơ bản trong nghệ thuật hát then, từ đó phát hiện những em có năng khiếu hoặc yêu thích loại hình này thì truyền dạy bài bản để các em có thể phát triển hơn.
Trên thực tế, trong khoảng vài năm trở lại đây, mặc dù chưa có chủ trương của Sở GD&ĐT nhưng nhiều trường nhận thức được tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật dân ca nên đã mạnh dạn đưa vào thí điểm trong một số giờ giảng của bộ môn Âm nhạc, hiệu ứng ban đầu rất tốt và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh. Điển hình có thể kể tới một số trường như Tiểu học, THCS xã Hoàng Văn Thụ; THCS xã Thanh Long, xã Thụy Hùng; Trường Nội trú, trường Tiểu học, THCS thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng); trường Tiểu học Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn); trường Tiểu học Tri Lễ, Trường nội trú, Trường THPT Lương Văn Tri (huyện Văn Quan)… Từ hiệu quả tích cực trong một số trường học, ông Nhân chia sẻ: Tới đây, hội sẽ chủ động phối hợp với một số sở, ngành, đoàn thể nhằm nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hóa dân ca của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hội cũng đang xây dựng đề tài, công trình nghiên cứu với chủ đề: “Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp thích hợp để bảo tồn, phát huy nét đặc sắc của dân ca các dân tộc Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển”.
Những phác họa cơ bản trên cho thấy, nghệ thuật hát then thực sự có giá trị trong đời sống đồng bào dân tộc Tày, Nùng của Lạng Sơn. Qua 180 năm Lạng Sơn xây dựng và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng nghệ thuật hát then trong văn hóa của tỉnh ta vẫn được gìn giữ, phát triển và cần được bảo tồn, lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Phong Linh
Ý kiến ()