Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Cờ Lao ở Hà Giang
Hà Giang – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc là địa bàn cư trú chú yếu của tộc dân tộc Cờ Lao, dù dân số ít chỉ khoảng trên 4.000 người, nhưng người Cờ Lao lại có vốn văn hóa vô cùng đặc sắc.
Dân tộc Cờ Lao là 1 trong 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở Việt Nam. Hà Giang – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc là địa bàn cư trú chú yếu của tộc người này, dù dân số ít, nhưng người Cờ Lao lại có vốn văn hóa vô cùng đặc sắc.
Ở Việt Nam, dân tộc Cờ Lao là một dân tộc có dân số ít, được xếp vào nhóm ngôn ngữ Kađai cùng với các tộc người La Chí, La Ha và Pu Péo. Người Cờ Lao được gọi theo âm Hán-Việt là Kel Lao từ những chữ Cách Liêu, Cách Lão… Sau này họ đọc chệch Kel Lao thành Cờ Lao.
Về nguồn gốc của người Cờ Lao, cố giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: “Kel Lao là con cháu của người Lão hay Cưu Lão xưa ở Trường Khả” (2). Về quê hương cổ xưa, các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng Quý Châu là quê của người Cờ Lao.
Theo các tài liệu nghiên cứu hiện nay thì người Cờ Lao ở Việt Nam có quan hệ với dân tộc Ngật Lão ở Văn Sơn (Trung Quốc). Căn cứ vào gia phả của một số dòng họ thì người Cờ Lao có mặt ở Hà Giang khoảng 120 đến 250 năm cách ngày nay.
Theo tài liệu của ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có 4.003 người Cờ Lao sinh sống. Trong đó, Hà Giang có trên 2.900 người phân bố ở các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Yên Minh, Vị Xuyên, Mèo Vạc, Bắc Quang, thành phố Hà Giang. Trong số đó, tập trung đông nhất tại xã Túng Sán của huyện Hoàng Su Phì, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn.
Người dân tộc Cờ Lao cũng được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao Đỏ phân bố ở huyện Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước. Trong khi đó, nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng phân bố ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc lại sống dựa chủ yếu vào nương định canh núi đá.
Cũng như các dân tộc khác, người Cờ Lao cư trú thành từng thôn bản. Mỗi thôn có khoảng 15-20 gia đình. Các ngôi nhà thường được thưng bằng gỗ hoặc trình bằng đất, lợp ngói âm dương, không chái.
Phía sau của gian giữa là nơi thờ cúng, phía trước là chỗ ăn cơm. Trên bàn thờ, người ta đặt các bát hương thờ tổ tiên từ đời thứ 3 hoặc thứ 4. Hàng năm, khi mổ lợn ăn tết họ đều lấy các mảnh xương hàm treo lên đó.
Dù cư trú ở Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc thì nguồn sống chính của người Cờ Lao vẫn chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm Cờ Lao Đỏ thì canh tác lúa nước, trồng chè, còn nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng thì trồng ngô và chăn nuôi. Quanh nhà, người ta thường quây những mảnh vườn nhỏ trồng cây ăn quả, rau xanh.
Đến các làng bản người Cờ Lao hôm nay, nếu chỉ bắt gặp đàn ông của dân tộc này thì cũng không phân biệt được nét riêng qua trang phục vì đa phần họ mặc giống các dân tộc khác như quần đen, áo xẻ ngực, 4 túi… Riêng trang phục nữ giới thì dù có thay đổi ít nhiều song vẫn còn giữ được nét riêng của mình.
Nhiều người cho rằng trước đây, phụ nữ Cờ Lao mặc váy song thực tế hiện nay thì đa số phụ nữ Cờ Lao mặc quần, kết hợp với áo dài. áo của phụ nữ Cờ Lao là loại áo dài xẻ tà, cổ đứng, cài cúc bên nách phải. áo may dài quá đầu gối, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo. Đặc biệt, trong ngày cưới, chú rể bắt buộc mặc áo dài xanh như kiểu áo nữ và cuốn một tấm khăn đỏ qua người, cô dâu thì búi tócngược lên đỉnh đầu.
Người Cờ Lao rất tôn trọng hôn nhân tốt đẹp, một vợ một chồng. Dù là cha mẹ gả hay tự nguyện lấy nhau thì các gia đình Cờ Lao rất ít khi bỏ nhau. Với gia đình hôn nhân bền chặt, các gia đình người Cờ Lao sống cùng nhau nhiều thế hệ. Con cái sinh ra và lớn lên trong gia đình và môi trường xã hội mà ở đó các phong tục, tập quán được quy định chặt chẽ. Nhờ đó, những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được gìn giữ từ đời này sang đời khác.
Nói về tôn giáo của người Cờ Lao cũng có điểm khác biệt. Họ cho rằng chỉ có người, các loại gia súc và lúa, ngô mới có linh hồn. Mỗi người có 3 linh hồn. Sức khoẻ của con người tùy thuộc vào sự mạnh yếu của linh hồn. Khi linh hồn rời khỏi thể xác cũng có nghĩa là con người ta chết đi. Người Cờ Lao cũng tin rằng để linh hồn đến được với tổ tiên thì người ta không chỉ làm đám tang chôn cất mà còn phải tổ chức lễ ma khô sau đó.
Trong 3 nhóm địa phương người Cờ Lao thì chỉ duy nhất nhóm Cờ Lao sinh sống ở Hoàng Su Phì có cúng miếu thờ Hoàng Vần Thùng hay còn gọi là Hoàng Văn Đồng, Hoàng Dìn Thùng. Người Cờ Lao đỏ nơi này tôn thờ ông là vị thần hoàng bảo hộ cuộc sống.
Lễ thức quan trọng nhất trong năm của người Cờ Lao đỏ ở Hoàng Su Phì là lễ cúng miếu Hoàng Vần Thùng diễn ra vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch. Đối với người Cờ Lao đỏ ở Hoàng Su Phì, ông là người có công khai sơn, lập địa, dạy cho người Cờ Lao biết sống quần tụ thành làng, thành bản. Quần cư để cùng nhau đoàn kết, chống chọi thiên tai, địch họa. Họ có hẳn miếu thờ ông ở trên núi Tây Côn Lĩnh.
Trước ngày cúng tế thần hoàng, các gia đình người Cờ Lao đều phải họp bàn, thống nhất lễ vật dâng cúng. Tùy từng điều kiện các gia chủ, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít thì góp ít, quan trọng là lòng thành. Cả làng sẽ góp tiền mua một con lợn thật to cùng 4 con gà ngon để dâng lên cho Hoàng Vần Thùng.
Ngày tổ chức, đại diện các gia đình sẽ đi đến miếu thờ. Trước sự chủ trì của thầy cúng, các lễ vật được mang đến trước ban thờ. Thầy cúng khấn báo xin phép thành hoàng, các thế lực siêu nhiên cho phép làm lễ. Sau khi nhận được sự đồng ý, họ tiến hành mổ sống các con vật ngay tại miếu mà không được cắt tiết.
Sau đó, họ lấy bộ lòng của con vật đặt trên tấm lá chuối rừng và hiến tế. Cúng xong, họ tiếp tục mang 4 con gà và con lợn ấy đi làm lông và luộc chín rồi cúng lần thứ hai, rồi tổ chức ăn uống tại nơi cúng tế.
Người Cờ Lao được xếp vào nhóm ngôn ngữ Ka-Đai. Tuy nhiên do địa bàn cư trú khác nhau mà ngôn ngữ của các nhóm Cờ Lao đã hình thành những phương ngữ khá phức tạp. Do sinh sống gần gũi với nhau nên tiếng nói của nhóm Cờ Lao Xanh và Cờ Lao Trắng đã hoà vào nhau.
Trái lại, nhóm Cờ Lao Đỏ ở Hoàng Su Phì có thổ ngữ riêng và việc giao tiếp giữa các nhóm gặp khó khăn. Có thể nói, ngôn ngữ của dân tộc này vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đúng mức.
Cùng với ngôn ngữ thì vốn văn hoá dân gian của dân tộc Cờ Lao cũng đang cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu một cách bài bản hệ thống. Qua đó,giúp đồng bào lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của mình bằng văn bản, đồng thời, giới thiệu đến mọi người những nét đẹp văn hóa của đồng bào, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam vốn đã phong phú và đa dạng./.
-
Người Cờ Lao đỏ tại xã Túng Sán thu hoạch lúa đổi công cho nhau. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Ý kiến ()