Bảo tồn giá trị tín ngưỡng dân gian trên vùng cao Mẫu Sơn
(LSO) – Vùng núi Mẫu Sơn bao gồm hơn 80 ngọn núi lớn nhỏ tạo thành quần thể núi đồi trùng điệp, hùng vĩ với hệ sinh thái đa dạng. Nơi đây còn được biết đến với các di tích lịch sử văn hóa vật thể, phi vật thể, vì vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa ở Mẫu Sơn có ý nghĩa gìn giữ lâu dài, phục vụ nghiên cứu và khai thác du lịch.
Khu vực núi Mẫu Sơn hiện có Khu linh địa – đền cổ Mẫu Sơn được xếp hạng di tích quốc gia; danh lam thắng cảnh núi Mẫu Sơn, thác Long Đầu, núi Phặt Chỉ được xếp hạng di tích cấp tỉnh cùng nhiều di tích tín ngưỡng được đăng ký bảo vệ. Vì nhiều lý do, các di tích đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, từ năm 2012 đến 2014, nhóm nghiên cứu do ông Bế Cao Chuyển, nguyên Phó Trưởng Ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn làm chủ nhiệm triển khai đề tài “Nghiên cứu bảo tồn giá trị tín ngưỡng dân gian trong các di tích lịch sử văn hóa trên vùng cao Mẫu Sơn”.
Phục dựng lễ cúng của người Tày cổ trên núi Mẫu Sơn
Ông Bế Cao Chuyển cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là nghiên cứu tín ngưỡng dân gian để khẳng định chủ nhân của di tích linh địa – đền cổ Mẫu Sơn; xác định giá trị lịch sử văn hóa, tín ngưỡng dân gian dân tộc Dao vùng núi Mẫu Sơn. Đặc biệt là đưa ra một số giải pháp bảo tồn, phục dựng đền cổ Mẫu Sơn, tôn tạo điểm sinh hoạt tâm linh đền thờ Thần Núi, đền thờ Thánh Mẫu Công Sơn.
Qua nghiên cứu, nhóm xác định khu đền cổ Mẫu Sơn do người Tày cổ sinh sống ở đây xây dựng, cụ thể là dòng họ Vi. Việc tìm hiểu vị thần được thờ cúng trong các ngôi miếu cho thấy, ở Mẫu Sơn người Việt đã xây dựng cuộc sống và bảo vệ vùng biên cương tổ quốc. Các tín ngưỡng dân gian thể hiện tính cộng đồng, giá trị tâm linh cũng như việc gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Với những giá trị về tâm linh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia cũng như văn hóa, xã hội của tín ngưỡng dân gian trong các di tích lịch sử văn hóa trên vùng cao Mẫu Sơn thì khu vực này cần có quy hoạch tổng thể cho toàn bộ khu di tích và quy hoạch đơn lẻ cho những di tích có quy mô lớn. Cùng đó, cần thiết kế tôn tạo đường đi lối lại toàn bộ khu di tích, xây dựng nhà trưng bày.
Với đền cổ Mẫu Sơn cần thiết kế, phục dựng lại toàn bộ kiến trúc cơ bản trên cơ sở diện tích, kết cấu, diện mạo đã được xác định trong quá trình nghiên cứu, khai quật để đưa vào sử dụng. Các khu mộ cự thạch hiện còn giữ được khá nguyên vẹn, vì vậy, cần phát quang cỏ cây, gia cố một số hạng mục như: tạo độ chắc chắn cho các phiến đá, phục chế cửa đá, thiết kế nơi đặt bắt hương… Cùng đó, duy trì các nghi lễ, nghi thức, lễ vật, phong tục đã được phục dựng và tồn tại trong quá khứ.
Sau khi được nghiệm thu, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, từ năm 2014 đến nay, UBND xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã thành lập Ban Quản lý Khu linh địa cổ Mẫu Sơn với hoạt động chính là đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan tại đây. Đặc biệt, các di tích trên núi Mẫu Sơn đã được quy hoạch chi tiết để bảo tồn, cùng đó, khu đền cổ Mẫu Sơn, đền thờ Thần núi, lễ cấp sắc của người Dao trên đỉnh Mẫu Sơn… cũng đã được cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn, phục dựng.
Đề tài nghiên cứu bảo tồn giá trị tín ngưỡng dân gian trong các di tích lịch sử văn hóa trên vùng cao Mẫu Sơn là cơ sở khoa học về quá trình phát sinh, phát triển của tín ngưỡng dân gian trong các di sản văn hóa ở nơi đây. Đây là yếu tố quan trọng để gìn giữ và phát huy các giá trị tín ngưỡng dân gian trong các di tích lịch sử văn hóa trên vùng cao Mẫu Sơn phục vụ phát triển kinh tế đặc biệt là phát huy thế mạnh, du lịch tâm linh của tỉnh Lạng Sơn.
Ý kiến ()