Bảo tồn đô thị di sản trước áp lực phát triển kinh tế
Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã làm gia tăng các khu dân cư mới. Điều đó tạo ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển bền vững tại các đô thị di sản.
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Ngày 14/6, tại TP. Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Ngoại giao, Văn phòng đại diện UNESCO và UN-HABITAT tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản.
Với sự tham gia của nhà quản lý cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế, hội thảo sẽ đánh giá hiệu quả chương trình Tuyên bố Hội An năm 2003 và 2009; khuyến khích sáng kiến mới từ các chủ thể địa phương và khu vực tư nhân về cơ chế bảo vệ, phát triển bền vững tại các đô thị di sản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng việc bảo tồn và phát triển bền vững đô thị di sản Hội An là một điển hình trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra ở khắp các thành phố lịch sử của châu Á.
Hội An là đô thị cổ lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc cổ, vừamang sắc thái nghệ thuật truyền thống của người Việt, vừa thể hiện sự giao lưu, hội nhập văn hoá với các nước trên thế giới.
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị cổ Hội An đã đạt những kết quả tốt đẹp. Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức, đó là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, dẫn đến xói lở bờ biển, hay tình trạng bồi cạn, ngập úng.
Ngoài ra, nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải của các dịch vụ phục vụ người dân và du khách trong khu phố cổ; những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị và mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch,… đã tác động lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới. Do đó, cần có sự hợp tác, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới; ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế; huy động sự giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa loại hình đô thị di sản này.
Bà Susan Vize, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định, sự phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng làm gia tăng các khu dân cư mới đã gây áp lực lên di sản, thách thức giữa việc phát triển truyền thống và hiện đại. Các vấn đề này cũng đặt ra cơ hội, thúc đẩy sự sáng tạo để tìm ra các giải pháp mới, vật liệu mới phù hợp hơn để có thể cân bằng tinh tế giữa bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Tại hội thảo lần này, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Quy hoạch kiến trúc và phát triển bền vững tại các đô thị di sản; quản lý di sản và cộng đồng địa phương; ra Tuyên bố Hội An 2017 về bảo tồn và phát triển các đô thị di sản trong bối cảnh đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()