Bảo tồn di tích ở Lộc Bình: Góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống
– Lộc Bình là vùng đất chứa đựng nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời gắn liền với tiến trình phát triển của Lạng Sơn. Những năm qua, UBND huyện Lộc Bình bằng nhiều giải pháp tích cực đã từng bước bảo tồn hệ thống các di tích trên địa bàn, qua đó góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống.
Cán bộ xã Tú Đoạn lau dọn ban thờ tại di tích chùa Trung Thiên, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình
Những ngày giữa tháng 7/2023, chúng tôi có dịp trở lại di tích chùa Trung Thiên, thôn Dinh Chùa, xã Tú Đoạn. Đến đây, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi sự khang trang của ngôi chùa sau khi được trùng tu, tôn tạo.
Ông Lành Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Đoạn, Trưởng Ban Quản lý chùa Trung Thiên cho biết: Năm ngoái, chùa vừa được trùng tu, sửa chữa một vài hạng mục như sơn lại tường, đảo mái, mua mới chuông, hòm công đức, đèn thờ… từ nguồn xã hội hóa khoảng 70 triệu đồng. Chùa Trung Thiên do Quận công Vi Đức Thắng, người xã Khuất Xá, châu Lộc Bình (nay là xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình) xây dựng năm 1680. Đây vừa là nơi thờ Phật vừa là nơi thờ Quận công Vi Đức Thắng người có công khởi dựng chùa. Trong giai đoạn 1945 – 1950, chùa là nơi thành lập UBND lâm thời châu Lộc Bình và là một chốt giao thông liên lạc vững chắc của khu du kích Chi Lăng, góp phần làm nên chiến thắng Biên giới lịch sử.
Rời xã Tú Đoạn, chúng tôi tìm đến di tích đình Vằng Khắc, thôn Khòn Trả, xã Thống Nhất, một trong những di tích nổi tiếng thờ thần sông Kỳ Cùng của tỉnh Lạng Sơn. Hiện nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền huyện và Nhân dân, du khách gần xa, ngôi đình đã được xây dựng mới phần hậu cung với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng; năm 2023, sửa chữa lại gian tiền tế, hai dãy “nhà lang” (tả vu và hữu vu) cùng một số hạng mục khác với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ đình Vằng Khắc cho biết: Tôi và bà con nơi đây rất vui từ khi ngôi đình được tu bổ khang trang, sạch đẹp. Đối với chúng tôi, đình Vằng Khắc có ý nghĩa hết sức to lớn, đã che chở cho dân làng chúng tôi về mặt tinh thần. Hằng ngày, chúng tôi thường xuyên ra đây quét dọn, vệ sinh, đảm bảo cho di tích được trang nghiêm, sạch sẽ.
Không riêng hai di tích trên, hiện nay, theo danh mục kiểm kê di tích của UBND tỉnh, huyện Lộc Bình có 22 điểm, khu di tích, trong đó, có 4 di tích lịch sử; 9 di tích kiến trúc nghệ thuật; 4 di tích khảo cổ; 5 di tích danh lam thắng cảnh.
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích luôn được UBND huyện Lộc Bình thực hiện với nhiều giải pháp tích cực. Cụ thể, năm 2019, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 3395/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý di tích huyện Lộc Bình gồm 32 thành viên, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội làm trưởng ban. Đối với cấp xã, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có di tích thành lập, kiện toàn ban quản lý, đến nay, đã có 11 ban quản lý di tích cấp xã với tổng số 146 thành viên. Cùng với đó, hằng năm, UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Di sản văn hóa và công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di tích đến Nhân dân bằng nhiều hình thức như: qua văn bản chỉ đạo, tuyên truyền miệng, trên hệ thống loa truyền thanh và thông qua các dịp lễ hội… Trong 3 năm gần đây, các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện đã tổ chức được 500 cuộc tuyên truyền với trên 100.900 lượt người nghe, xem. Qua đây, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân và gìn giữ giá trị di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chú trọng đến việc tu bổ, khoanh vùng bảo vệ đối với các di tích trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo khoanh vùng, bảo vệ được một số di tích như: di tích Điểm cao 424 xã Yên Khoái, khu nhà cổ (biệt phủ) Vi Văn Định, giếng Bản Chu (xã Khuất Xá), đình Vằng Khắc (xã Vân Mộng), di tích Cốc Lùng (xã Xuân Dương)… Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã kêu gọi nguồn xã hội hóa thực hiện tu bổ tôn tạo 3 di tích với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di tích, gắn trách nhiệm của các cấp, chính quyền ở cơ sở, trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2023, phòng sẽ tham mưu UBND huyện hoàn thiện hồ sơ di tích đình Khau Ngòa (xã Thống Nhất) để trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Ý kiến ()