Thứ 2, 25/11/2024 02:09 [(GMT +7)]
Bảo tồn cây nguyên liệu để phát triển bền vững đặc sản rượu Mẫu Sơn
Thứ 4, 07/03/2012 | 09:28:00 [(GMT +7)] A A
Có thể nói, việc nghiên cứu các cây nguyên liệu sản xuất men rượu Mẫu Sơn đã mở ra hướng bảo tồn và phát triển những thảo dược quý để góp phần giữ gìn chất lượng, danh tiếng Rượu Mẫu Sơn và phát triển bền vững đặc sản của đồng bào Dao ở vùng núi Mẫu. Trong tương lai, khi kết quả nghiên cứu được chuyển giao đến người dân thì đồng bào nơi đây sẽ không còn lo thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất men lá. Với nguồn thảo dược quý và bí quyết chưng cất cổ truyền, sản phẩm rượu Mẫu Sơn mà họ làm ra sẽ tiếp tục vươn xa, góp phần quảng bá hình ảnh Lạng Sơn tới bạn bè trong và ngoài nước.
LSO-Sau một thời gian được khai thác khôi phục để làm men chưng cất rượu, nhiều loại thảo dược quý ở vùng Mẫu Sơn đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu làm men để góp phần giữ gìn chất lượng, danh tiếng đặc sản rượu Mẫu Sơn.
Sản phẩm rượu Mẫu Sơn được Trung tâm khai thác di sản văn hóa
khai thác để góp phần quảng bá du lịch Lạng Sơn
Nói đến Lạng Sơn, người ta nghĩ ngay đến đặc sản rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Xứ Lạng. Theo ông Đặng Tăng Phúc- một trong những hộ sản xuất rượu tại khu du lịch Mẫu Sơn, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển) thì chất gây men không thể thiếu để làm nên rượu Mẫu Sơn chính là lá cây rừng. Loại men này được đồng bào Dao pha chế từ một số loại cây dại như slam ship lạc, sáy dịp, nhả hom….
Đã có một thời, những loại cây này được coi là “bất tận” vì chúng mọc tự nhiên trên đồi núi thuộc các xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn, Hải Yến. Nhưng cùng với thời gian, do khai thác quá nhiều, nguồn nguyên liệu để sản xuất men rượu Mẫu Sơn ngày càng trở nên khan hiếm, thậm chí có những cây có nguy cơ tuyệt chủng. Gần đây, một số người dân trong vùng đã sang những địa phương khác để mua nguyên liệu làm men nấu rượu khiến cho rượu Mẫu Sơn không giữ được hương vị đặc trưng như vốn có. Làm thế nào để duy trì chất lượng rượu Mẫu Sơn và phát triển bền vững một đặc sản nổi tiếng của Xứ Lạng? Những trăn trở ấy đã thôi thúc các cán bộ Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Cao Lộc tiến hành nghiên cứu phát triển một số loại cây nguyên liệu chính để cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất men rượu cho đồng bào vùng núi Mẫu. Trong thời gian 3 năm (từ 2007-2009), nhóm tác giả thực hiện đề tài đã thống kê, thu thập được tập đoàn 5 cây trồng chính trong sản xuất men rượu đặc sản Mẫu Sơn gồm: Cúc chỉ thiên (còn gọi là cây 36 rễ, cây Phà lụa khon, mác chựa pò, nhà đản); cúc đồng tiền dại (còn gọi là cây 30 rễ); hoắc hương núi (còn gọi là nhả hom); thảo uy linh (còn gọi là cây rễ đen, mìa khòn khịa) và cây sáy dịp. Họ cũng tiến hành nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng cây men rượu để đưa ra thời vụ, mật độ trồng, bón phân thích hợp, phòng trừ sâu bệnh nhằm canh tác đạt năng suất cao nhất; nghiên cứu và bước đầu đưa ra kỹ thuật thu hái, bảo quản sau thu hoạch. Đặc biệt, trong quá trình triển khai, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhân giống cấy sáy dịp theo phương pháp vô tính (giâm cành), nhân giống các cây còn lại theo phương pháp hữu tính (gieo hạt) và xây dựng được vườn ươm với diện tích 500m2 lưu giữ giống cây men tại bản Lục Bó, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc. Theo kỹ sư Hoàng Kim Phụng, Chủ nhiệm đề tài, kết quả phân tích thành phần sinh hóa cơ bản trong cây men rượu và trong rượu nấu từ men làm từ tập đoàn cây này đều không phát hiện độc tố polyphenol oxydaza ở tất cả các mẫu men rượu; hầu như không phát hiện thấy me tanol, andehyde là các chất gây ngộ độc chính cho người uống trong rượu. Do vậy, sử dụng các dược liệu này làm nguyên liệu sẽ tạo ra các loại men lá có chất lượng tốt để phục vụ sản xuất rượu Mẫu Sơn.
Có thể nói, việc nghiên cứu các cây nguyên liệu sản xuất men rượu Mẫu Sơn đã mở ra hướng bảo tồn và phát triển những thảo dược quý để góp phần giữ gìn chất lượng, danh tiếng Rượu Mẫu Sơn và phát triển bền vững đặc sản của đồng bào Dao ở vùng núi Mẫu. Trong tương lai, khi kết quả nghiên cứu được chuyển giao đến người dân thì đồng bào nơi đây sẽ không còn lo thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất men lá. Với nguồn thảo dược quý và bí quyết chưng cất cổ truyền, sản phẩm rượu Mẫu Sơn mà họ làm ra sẽ tiếp tục vươn xa, góp phần quảng bá hình ảnh Lạng Sơn tới bạn bè trong và ngoài nước.
Bảo Vy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()