“Bảo tàng” trên không gian mạng về các tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vừa được trao là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước cho những nỗ lực, tâm huyết của các tác giả. Nếu có trang web riêng thì công chúng dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về tác giả, tác phẩm được trao giải ở các giải thưởng cao quý này.
Việc làm hết sức cần thiết
Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam phân tích, trong thời đại 4.0 việc có một “bảo tàng” trên không gian mạng để giới thiệu tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là hết sức cần thiết và là nhu cầu chính đáng của công chúng. Đó sẽ là kho dữ liệu để công chúng có thể dễ dàng tìm kiếm, nghiên cứu, tham khảo, học tập, nhất là với đối tượng là sinh viên, là người trong nghề. Còn các tác giả thì đó chính là cách tôn vinh họ.
Việc xây dựng một “bảo tàng” trên không gian mạng rẻ hơn nhiều lần so với một bảo tàng trên thực tế và việc này không khó vì các tác phẩm đã có sẵn dữ liệu. Nếu làm được điều này thì trang web sẽ rất đồ sộ, có chiều sâu, phản ánh sinh động, khách quan đời sống văn học nghệ thuật nước nhà trong suốt chặng dài lịch sử.
Cũng trên quan điểm đó, nhạc sĩ Đoàn Bổng, tác giả giành được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt vừa qua cho biết, nhiều người chưa biết nhiều về các tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Trong lĩnh vực âm nhạc có những tác giả được vinh danh với những tác phẩm hợp xướng, giao hưởng mà người nghe ít có cơ hội tiếp cận. Bởi vậy, khi có một trang web riêng, người nghe sẽ được tìm kiếm không những về mặt thông tin mà còn được thưởng thức bằng âm thanh. Thời đại công nghệ số, chúng ta cần giúp công chúng tìm hiểu thông tin một cách dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi.
TS, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, vừa qua khi anh tham gia trại sáng tác sân khấu ở Đại Lải, nhiều tác giả cũng kiến nghị nên có một trang web riêng của ngành sân khấu. Để tránh vi phạm bản quyền chỉ cần giới thiệu 15 trang của kịch bản lên trang web, sau đó nếu các đoàn nghệ thuật, nhà hát có nhu cầu sẽ liên hệ để xin phép dàn dựng.
“Theo tôi đó là cách làm rất hay, có lợi cho ngành sân khấu, cho tác giả, để tác phẩm gần hơn người sử dụng, thay vì các tác giả cất kịch bản trong ngăn tủ. Bởi vậy, khi xét về các tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, tôi nghĩ cần phải làm việc này càng sớm càng tốt”, TS, NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.
Phải làm kỹ lưỡng, thận trọng
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa -Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin, năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương đã xuất bản cuốn sách “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật-tác giả, tác phẩm” nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập ngành Tuyên giáo. Cuốn sách đã cập nhật tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh từ lần thứ nhất (năm 1996) đến lần thứ 5 (năm 2017). “Tới đây, khi tái bản cuốn sách này, chúng tôi sẽ cập nhật thêm những tác giả, tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lần thứ 6 vừa qua. Tuy nhiên, do số lượng tác giả được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật khá nhiều nên chúng tôi chưa thể cập nhật trong cuốn sách này”, ông Nguyễn Minh Nhựt thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Nhựt, tác phẩm của các tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước đã được quảng bá, giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước qua nhiều hình thức, tuy nhiên nếu có một trang web riêng để tập hợp thông tin về tác giả cũng như giới thiệu tác phẩm sẽ giúp công chúng thuận lợi, dễ dàng trong việc tìm kiếm, thưởng thức.
Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ nghiên cứu, xem xét, đề xuất để có một trang web riêng sao cho đúng với quy định của pháp luật để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước một cách tốt nhất. Tất nhiên để làm trang web này cần phải rất kỹ lưỡng và thận trọng vấn đề bản quyền vì có những tác phẩm đã hết thời lượng tác quyền.
Trao đổi về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước không phải cứ trao là xong mà điều quan trọng là phải lan tỏa tác phẩm này đến công chúng. Hiện nay, nhu cầu của công chúng tìm hiểu về tiểu sử tác giả cùng các tác phẩm của họ cũng như những đánh giá của giới nghiên cứu về tác giả, tác phẩm được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là rất lớn.
“Theo tôi, nên có trang web riêng về những thông tin này và phải làm một cách công phu, thậm chí có thể chuyển ra tiếng Anh để không những công chúng trong nước mà công chúng nước ngoài có thể tìm hiểu. Trong dự án quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang có ý tưởng này. Hiện nay, có những tác phẩm văn học in đã lâu mà người đọc rất khó có thể tìm được sách”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch.
Nguồn:https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/bao-tang-tren-khong-gian-mang-ve-cac-tac-pham-duoc-trao-giai-thuong-ho-chi-minh-giai-thuong-nha-nuoc-i694943/
Ý kiến ()