Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 55 năm đồng hành cùng di sản mỹ thuật
Ngày 24/6/1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức được thành lập với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật Việt Nam.
Trải qua chặng đường 55 năm, đến nay với hơn 20.000 hiện vật đang được lưu giữ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã từng bước khẳng định thương hiệu của một thiết chế văn hóa quốc gia.
Nơi phản ánh những chặng đường phát triển của mỹ thuật Việt Nam
Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng quốc gia có vị trí quan trọng hàng đầu trong việc lưu giữ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với hơn 20.000 hiện vật được lưu giữ, trong đó có chín bảo vật quốc gia. Các hiện vật này phản ánh những chặng đường phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm là niềm tự hào lớn trong sự nghiệp của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc Việt Nam.
Các thế hệ cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực, thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giáo dục và phát huy giá trị di sản mỹ thuật. Kể từ những ngày đầu thành lập đến nay, Bảo tàng thường xuyên tổ chức các cuộc điền dã tại các di tích của nhiều địa phương trên cả nước để sưu tầm thêm hiện vật mỹ thuật cổ, đồng thời tiến hành sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật điêu khắc, hội họa, đồ họa tại các cuộc triển lãm mỹ thuật và từ các bộ sưu tập cá nhân, của các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài nước để bổ sung cho kho tàng mỹ thuật cận – hiện đại, đương đại.
Trong 5 năm gần đây (2016-2021), Bảo tàng triển khai và nghiệm thu 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, hai đề tài cấp bộ; tổ chức nhiều hội thảo khoa học về mỹ thuật và công tác bảo tàng; xuất bản nhiều ấn phẩm trong lĩnh vực mỹ thuật. Các thế hệ cán bộ thuyết minh, hướng dẫn viên của Bảo tàng đã dày công sưu tầm hiện vật, xây dựng đề cương và sáng tạo cách trưng bày sao cho hấp dẫn, trang trọng, đóng vai trò là “chiếc cầu nối” giữa hệ thống trưng bày với công chúng.
Qua 55 năm mở cửa đón khách, hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng dần có những bước chuyển quan trọng, từ hình thức thuyết minh theo tuyến cố định sang thuyết minh theo chuyên đề, từ hoạt động giáo dục trải nghiệm đơn lẻ, theo sự kiện đã chuyển sang thường xuyên, làm sinh động, hấp dẫn hơn những trải nghiệm của khách tham quan.
“Không gian sáng tạo cho trẻ em” được thành lập và hoạt động đều đặn, bên cạnh đó nhiều hoạt động trải nghiệm mỹ thuật được tổ chức lưu động bên ngoài không gian Bảo tàng cũng nhận được sự yêu thích, ủng hộ. Bảo tàng đã ký biên bản hợp tác với một số trường liên quan đến chuyên ngành du lịch và mỹ thuật, khuyến khích đưa sinh viên đến Bảo tàng học tập và trải nghiệm. Lượng sinh viên đến Bảo tàng tăng lên 20%, góp phần làm tăng tỷ lệ khách tham quan nội địa từ 17% (năm 2016) lên 30% (năm 2019).
Chủ động chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có website https://vnfam.vn – kênh truyền thông chính thức, giới thiệu, quảng bá hình ảnh và các hoạt động của mình. Ðây là một website được thiết kế hiện đại, thân thiện, tổ chức thông tin khoa học và dễ tiếp cận. Ngoài những thông tin cơ bản về Bảo tàng, người xem có thể chiêm ngưỡng hàng trăm hình ảnh, khám phá các bài viết về tác giả, tác phẩm, cập nhật thông tin, video clip về các triển lãm, sự kiện…
Từ năm 2019, Bảo tàng sử dụng fanpage trên mạng xã hội Facebook, tạo thêm kênh thông tin, tương tác với công chúng. Trong thời gian dịch Covid-19 và giãn cách xã hội năm 2020, thông qua website và fanpage, Bảo tàng đã chủ động giới thiệu các bộ tranh ca ngợi các bác sĩ, nhân viên y tế xung phong nơi tuyến đầu, tận tuỵ chăm sóc bệnh nhân, hay giới thiệu chùm tác phẩm nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước và kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc đăng tải những tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa vào đúng thời điểm đã thu hút sự chú ý của báo chí, truyền thông, góp phần tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Xác định nhân tố con người vẫn luôn đóng vai trò tiên quyết đối với sự tồn tại và phát triển của Bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường làm việc thuận lợi, ứng dụng khoa học công nghệ để tối ưu hóa chất lượng công việc, đáp ứng với sự thay đổi của xã hội, đây luôn là một trong những trọng tâm trong chiến lược trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh đó, Bảo tàng đã và đang nỗ lực tăng cường nhận diện, làm mới hình ảnh và quan tâm hơn đến trải nghiệm của du khách, để từng bước đưa Bảo tàng đến gần hơn nữa với công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi.
Năm 2021 đánh dấu 55 năm hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cũng là một năm chứng kiến những biến đổi mạnh mẽ của toàn xã hội nói chung, của công tác bảo tàng nói riêng, với những tác động của khoa học và công nghệ, của dịch Covid-19…
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số, mà đã tích cực nhập cuộc để ứng dụng công nghệ hiện đại vào mọi hoạt động chuyên môn của bảo tàng như: quản lý hiện vật, lưu trữ tư liệu thư viện, truyền thông và đặc biệt là trưng bày, phục vụ công chúng.
Cuối tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt iMuseum VFA – ứng dụng thuyết minh đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết) với tám ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Ý và Tây Ban Nha), trợ giúp người tham quan bảo tàng trực tuyến và trực tiếp.
Ứng dụng nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực của khách tham quan và các chuyên gia, nghệ sĩ trong giới mỹ thuật. Ứng dụng này cũng được ngành du lịch đánh giá là giúp các công ty lữ hành tiết kiệm thời gian và giảm sự phụ thuộc vào hướng dẫn viên tại chỗ. Ðây là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Bảo tàng trong việc áp dụng tiện ích của công nghệ thông tin để đổi mới, nâng cao chất lượng.
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các hoạt động kỷ niệm diễn ra theo hình thức trực tuyến, nhiều nội dung bổ ích, lý thú liên tục được đăng tải trên các kênh truyền thông của Bảo tàng để ghi lại dấu mốc tròn 55 năm tuổi đáng tự hào và quảng bá rộng rãi đến công chúng, như: Giới thiệu về kiến trúc tòa nhà Bảo tàng; Giới thiệu về họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung; Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm; Công tác trưng bày, giáo dục; Giới thiệu về triển lãm “Mạch nối”; Trung tâm Bảo quản tu sửa tác phẩm mỹ thuật; Giới thiệu 3DTour Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Giới thiệu bảo vật quốc gia…
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với dấu mốc 55 năm đáng tự hào đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để tiếp tục hành trình gìn giữ, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa nghệ thuật quốc gia, khẳng định vị thế và giá trị trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.
Ý kiến ()