Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn: Những trang sử “vàng” bằng hiện vật
LSO-Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu, hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra vào ngày (27/9/1940). Đến với Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn là đến với một không gian văn hóa.
LSO-Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ và trưng bày những tư liệu, hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra vào ngày (27/9/1940). Đến với Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn là đến với một không gian văn hóa. Ở đây tái hiện một cách sinh động nền văn hóa, con người và toàn bộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn gắn với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Mở đầu không gian trưng bày là “Bắc Sơn thời tiền sử” giới thiệu không gian lịch sử, văn hóa của vùng đất Bắc Sơn, với các hiện vật khảo cổ về nền văn hóa Bắc Sơn như: rìu đá, mảnh gốm, đồ trang sức, công cụ ghè đẽo… minh chứng cho một vùng đất có lịch sử lâu đời, với nền văn minh cổ phát triển rực rỡ. Truyền thống ấy đã nuôi dưỡng, hun đúc và đưa mảnh đất này đến với ánh sáng cách mạng, góp phần tạo nên sức mạnh và tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.
Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn – Ảnh: LA NAM |
Từ núi rừng Bắc Sơn, những người dân áo chàm bình dị sống trong cảnh nô lệ, khổ cực, lầm than… đã tập hợp lại với gậy gộc, giáo mác, súng kíp và ngọn lửa căm hờn bùng cháy trong tim đứng lên đánh chiếm đồn Mỏ Nhài làm nên cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn ngày (27/9/1940) – cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như bản anh hùng ca bất diệt. Những vũ khí thô sơ và chiến lợi phẩm thu được của cuộc khởi nghĩa đã giúp mỗi người đến tham quan khu trưng bay hiểu một cách khái quát vể cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn: từ nguyên nhân, hoàn cảnh lịch sử đến diễn biến và kết quả… Mặc dù cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bị địch khủng bố, đàn áp, chém giết dã man, nhưng Đảng bộ và nhân dân châu Bắc Sơn đã chứng tỏ quyết tâm và tinh thần chiến đấu ngoan cường, quyết không cam chịu ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, sẵn sàng đứng dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cũng tại đây, Bảo tàng đã sưu tầm và trưng bày những hình ảnh tư liệu, đồ dùng sinh hoạt của các đồng chí cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ được Trung ương Đảng phân công phụ trách và gây dựng phong trào cách mạng Bắc Sơn như: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Lương Văn Tri, Hoàng Quốc Việt và các đảng viên trung kiên lãnh đạo nhân dân đánh chiếm Đồn Mỏ Nhài vào ngày (27/9/1940) như: đồng chí Hoàng Đình Ruệ, Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Nông Văn Cún… Và những tư liệu, hiện vật về các cơ sở cách mạng, đồ dùng để tiếp tế, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật thủa cách mạng còn trong trứng nước cùng những hình ảnh thành lập Đội du kích Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân đã khẳng định Bắc Sơn là một trong những địa phương có phong trào cách mạng phát triển sớm và mạnh mẽ nhất.
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, thực dân Pháp đã điên cuồng khủng bố tàn sát phong trào cách mạng ở đây, chúng đã xây dựng những nhà tù, địa điểm xử bắn các chiến sỹ du kích, nhiều làng, xóm bị khủng bố đốt phá… Những hình ảnh đó cho chúng ta hình dung về một Bắc Sơn thật anh dũng nhưng cũng nhiều đau thương mất mát, hy sinh. Nhưng người dân nơi đây vẫn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng Bắc Sơn và cách mạng Việt Nam sau này.
Tiếp bước truyền thống của cha anh, lớp lớp các thế hệ nhân dân Bắc Sơn đã không ngừng học tập, lao động, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng – đó là toàn bộ nội dung trưng bày ở phần cuối của bảo tàng. Anh Hà Anh Tuyến, cán bộ Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn tâm sự “Với mục đích giúp người xem hiểu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống về lịch sử, con người và cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, nội dung trưng bày của bảo tàng được trình bày một cách khoa học, có bố cục chặt chẽ, logic theo các nguyên tắc bảo tàng học”. Có thể nói, mỗi phần trưng bày của bảo tàng như một trang sách làm dẫn chứng, minh hoạ về công lao to lớn của lớp lớp cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ để không ngừng học tập và noi theo. Đoàn viên Lộc Thúy Quỳnh Châu, học sinh Trường THPT Bắc Sơn tâm sự: “Mỗi một lần đến thăm Bảo tàng, em cảm thấy rất tự hào về truyền thống của quê hương. Phát huy truyền thống của cha ông, là một học sinh, em sẽ nỗ lực trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.
Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản những tư liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa của mảnh đất giàu truyền thống mà còn trở thành nơi nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
THỌ HẢO
Ý kiến ()