Có thể coi Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn vừa là một Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử, vừa có ý nghĩa như một nhà trưng bày bổ xung cho khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn vì chúng có mối liên hệ rất mật thiết – hỗ trợ, bổ xung kiến thức cho nhau. Ngày nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của địa phương, là nơi nghiên cứu học tập và giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân – đặc biệt là thế hệ trẻ.
LSO-Nhằm lưu giữ, bảo quản và trưng bày có hệ thống các tài liệu hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã sớm có chủ trương xây dựng một bảo tàng chuyên đề về cuộc khởi nghĩa. Ngày 26/9/1966, đúng vào dịp kỷ niệm 26 năm ngày khởi nghĩa, Bảo tàng Bắc Sơn đã chính thức ra đời ngay trên vùng đất Bắc Sơn lịch sử.
|
Thế hệ trẻ Bắc Sơn xem hiện vật tại Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn – Ảnh: Nhật Anh |
Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn nằm ngay cạnh quốc lộ 1B, thuộc thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn – cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn khoảng 2,5 km. Nhà trưng bày Bảo tàng hiện nay được xây dựng từ năm 1985. Với dáng dấp mô phỏng kiến trúc một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn giống như một không gian văn hóa – ở đó tái hiện một cách sinh động toàn bộ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của địa phương và dân tộc.
Là một bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn nằm trong hệ thống các bảo tàng cách mạng Việt Nam. Với mục đích giúp người xem hiểu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống về cuộc khởi nghĩa, nội dung trưng bày của bảo tàng được trình bày một cách khoa học, có bố cục chặt chẽ, logic theo các nguyên tắc bảo tàng học.
Mở đầu là phần trưng bày “Bắc Sơn thời tiền sử”. Đây là phần trưng bày giới thiệu không gian lịch sử, văn hóa của vùng đất Bắc Sơn – nơi đã diễn ra cuộc khởi nghĩa. Thông qua các hiện vật khảo cổ của văn hóa Bắc Sơn: rìu đá, mảnh gốm, đồ trang sức, công cụ ghè đẽo… người xem sẽ hiểu một cách khái quát về Bắc Sơn – một vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, có nền văn minh cổ phát triển rực rỡ. Chính mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa đó đã nuôi dưỡng, hun đúc, góp phần tạo nên sức mạnh và tinh thần quật khởi của cuộc khởi nghĩa.
Phần 2 là phần trưng bày trọng tâm với chủ đề “Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn”. Bằng các hình ảnh, tài liệu hiện vật phong phú, sinh động, nội dung trưng bày đã dẫn dắt người xem đến với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn theo dòng lịch sử: từ nguyên nhân, hoàn cảnh lịch sử nổ ra cuộc khởi nghĩa đến diễn biến, kết quả và phong trào cách mạng ở Bắc Sơn sau khởi nghĩa. Chúng ta bắt gặp ở đây rất nhiều hình ảnh, tài liệu hiện vật minh họa cho sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và sự phát triển của phong trào cách mạng ở Bắc Sơn.
Các sưu tập hiện vật: thẻ đinh, biên lai thu thuế, bộ bàn đèn hút thuốc phiện, xích sắt… phần nào đã giúp chúng ta hiểu được cuộc sống khổ cực của người dân Bắc Sơn dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến và tội ác của chúng đối với nhân dân Bắc Sơn. Chúng ta cũng gặp ở đây rất nhiều ảnh tư liệu, đồ dùng sinh hoạt và hoạt động cách mạng của các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri…
Bên cạnh đó là tài liệu hiện vật về các cơ sở cách mạng, đồ dùng đã dùng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật thuở cách mạng còn trong trứng nước. Qua đó, người xem dễ dàng nhận thấy Bắc Sơn là một trong những địa phương có phong trào cách mạng phát triển sớm và mạnh mẽ nhất ở Lạng Sơn. Phong trào cách mạng ở đây luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của TW Đảng – đặc biệt là vai trò của đồng chí Hoàng Văn Thụ – xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, người được TW Đảng phân công trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.
Trong nội dung trưng bày của Bảo tàng, phần trưng bày về diễn biến của cuộc khởi nghĩa, sự thành lập đội du kích Bắc Sơn, đội Cứu quốc quân I được coi là điểm nhấn, là phần trọng tâm nhất. Ở đây có nhiều hiện vật gốc rất giá trị mình họa cho cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày 27/9/1940 . Đó là các sưu tập hiện vật về vũ khí tham gia khởi nghĩa, chiến lợi phẩm quân ta thu được trong chiến đấu, những vật chứng tiêu biểu minh họa cho thắng lợi của ta và thất bại của kẻ thù…
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, thực dân Pháp đã điên cuồng khủng bố tàn sát phong trào cách mạng ở đây. Tái hiện sự kiện lịch sử này, Bảo tàng tập trung trưng bày những hình ảnh, hiện vật về nhà tù, địa điểm xử bắn các chiến sỹ du kích, làng xóm bị triệt hạ, khủng bố… Người xem dễ dàng nhận thấy có một Bắc Sơn thật anh dũng nhưng cũng nhiều đau thương mất mát, hy sinh.
Sự thành lập đội Du kích Bắc Sơn và đội Cứu Quốc quân I được coi là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng ở đây. Toàn bộ quá trình thành lập và hoạt động của đội du kích Bắc Sơn, đội Cứu quốc quân I đã được thể hiện rất sinh động thông qua các tài liệu hiện vật Bảo tàng: ảnh các căn cứ du kích, những vật dụng các chiến sỹ du kích, cán bộ TW về chỉ đạo phong trào đã sử dụng thời kỳ hoạt động ở Bắc Sơn, các loại vũ khí du kích Bắc Sơn và Cứu Quốc quân I đã dùng trong chiến đấu…
Đặc biệt, trong số những hiện vật về thời kỳ này, có rất nhiều hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Bắc Sơn đối với cách mạng. Chúng ta gặp trong Bảo tàng những vật dụng đã dùng để làm lán trại, vũ khí đã dùng để bảo vệ cán bộ cách mạng, đồ dùng đã dùng để tiếp tế, nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ du kích hoạt động bí mật…
Các cơ sở Cách mạng ở Bắc Sơn như gia đình bà Lý Thị Quyên, bà Hoàng Thị Từ, bà tạ Thị Miễn…đã từng nuôi giấu các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt khi về Bắc Sơn hoạt động, đi dự Hội nghị TW Đảng lần thứ 8 tại Cao Bằng. Họ là những cơ sở cách mạng trung kiên, là ân nhân của cách mạng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng Bắc Sơn và cách mạng Việt Nam sau này.
Phần 3 trong nội dung trưng bày của Bảo tàng là những tài liệu hiện vật, hình ảnh về “Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng”. Đây là phần trưng bày khái quát những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Bắc Sơn qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và từ năm 1975 đến nay. Tiếp bước cha anh, lớp lớp các thế hệ công dân Bắc Sơn đã không ngừng học tập, phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp, vững mạnh – xứng đáng với truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng.
Tái hiện cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bằng các tài liệu hiện vật, hình ảnh chân thực, phong phú – Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn giúp người xem nhận thức một cách sâu sắc hơn về cuộc khởi nghĩa oanh liệt đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Thăm bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, chúng ta không chỉ thấy một Bắc Sơn anh dũng, kiên cường, lớp lớp chiến công mà còn thấy rất rõ một Bắc Sơn ân tình, thủy chung với cách mạng.
Có thể coi Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn vừa là một Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử, vừa có ý nghĩa như một nhà trưng bày bổ xung cho khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn vì chúng có mối liên hệ rất mật thiết – hỗ trợ, bổ xung kiến thức cho nhau. Ngày nay, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng của địa phương, là nơi nghiên cứu học tập và giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân – đặc biệt là thế hệ trẻ.
Kể từ khi mở cửa trưng bày đến nay, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn đã đón hàng triệu lượt khách tham quan, nghiên cứu – trong đó có rất nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Đại tướng Võ nguyên Giáp, nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh… các vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên các trường đại học. Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn thật xứng đáng là những trang sử bằng hiện vật, góp phần làm phong phú hơn những bài học lịch sử của mỗi chúng ta.
Chu Quế Ngân
Ý kiến ()