Bão số 7 gây mưa, dông tại các tỉnh phía bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 13-8, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 113,6 độ kinh đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
* Các địa phương chủ động phòng, chống bão
* Cảnh báo sạt lở đất ven sông tại Hậu Giang
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 13-8, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 19,2 độ vĩ bắc; 113,6 độ kinh đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 310 km về phía bắc đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Ðến 19 giờ ngày 14-8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ vĩ bắc; 110,8 độ kinh đông, trên khu vực phía đông bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15 km, đi sâu vào đất liền thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 19 giờ ngày 15-8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,4 độ vĩ bắc; 109,0 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực bắc Biển Ðông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa đêm nay còn có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Từ ngày 14-8, vùng biển bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Ðồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, riêng phía đông bắc cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp một số khu vực ở Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng cục bộ với cường độ nhẹ. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37 độ C, nhiều nơi cao trên 37 độ C. Dự báo đợt nắng nóng có khả năng kéo dài đến hết ngày mai (15-8), với cường độ nóng bức nặng hơn, diện nắng nóng mở rộng thêm. Từ ngày 16-8 trở đi, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, miền bắc có mưa, mưa rào đều khắp và rải rác có giông. Nhiệt độ các tỉnh, thành phố hạ xuống, nắng nóng chấm dứt.
Ðể phòng, chống bão số 7, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện khẩn số 46 yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên; Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các Bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó bão số 7.
Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm cho Ðại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đề nghị các cơ quan của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân cùng tàu, thuyền của Việt Nam được trú tránh bão và lên bờ khi cần thiết; các Bộ Y tế, Bộ Công an, Giao thông vận tải có Công điện chỉ đạo các đơn vị hữu quan triển khai công tác đối phó với bão.
Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã có Công điện chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau và ba hải đoàn 18, 38, 48 chỉ đạo công tác triển khai đối phó với bão. Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu chính quyền địa phương các cấp và Ban Quản lý các hồ thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình thường xuyên kiểm tra mực nước hồ chứa, và vận hành đúng quy trình liên hồ chứa. Hiện các hồ chứa nước ở Bắc Bộ đã tích thêm nhiều nước, đạt bình quân 80 đến 90% dung tích thiết kế, trong đó 10 hồ chứa đã đầy và tràn nước; ở Bắc Trung Bộ các hồ chứa dung tích trữ bình quân 45 đến 60% thiết kế. Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương khắc phục hoàn toàn các sự cố lưới điện do mưa, bão gây ra, bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn cho người và thiết bị, đồng thời bảo đảm đủ điện cho các trạm bơm tiêu úng tại các vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 6. Bên cạnh đó, EVN đang khẩn trương chuẩn bị phương tiện, vật tư sẵn sàng đối phó với cơn bão số 7.
Tính đến 17 giờ ngày 13-8, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã thông báo kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 73 nghìn phương tiện với khoảng 316 nghìn người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh. Trong đó tại Quảng Ninh đã có hơn 10.570 tàu, thuyền hoạt động khai thác thủy sản của địa phương đã nhận được thông báo và di chuyển về nơi neo đậu, tránh trú bão số 7. TP Hải Phòng có Công điện khẩn số 07/CÐ-CT ngày 13-8 chỉ đạo phòng, chống bão số 7. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP Hải Phòng đã yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố bằng mọi biện pháp thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện, tàu thuyền khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh bão số 7 an toàn trước 21 giờ ngày 13-8. Tại Nam Ðịnh, Bộ đội Biên phòng đã thông báo cho hơn 2.000 tàu, thuyền với hơn 11 nghìn lao động đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão số 7 để chủ động phòng tránh. Ðến thời điểm này, tại tỉnh Thái Bình, gần 1.200 phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về diễn biến của bão số 7 và di chuyển tránh khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện 2/3 số phương tiện của tỉnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Tỉnh đã cử các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 7 tại các địa phương, đặc biệt là đối với những khu vực có điểm đê xung yếu như huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy. Ðến 16 giờ ngày 13-8, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, toàn tỉnh có 5.521 phương tiện với 16.582 lao động đã vào nơi neo đậu trong và ngoài tỉnh. Hiện còn 2.366 phương tiện với 10.612 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 1.885 phương tiện, 8.098 lao động hoạt động gần bờ và 481 phương tiện với 2.514 lao động hoạt động trên các ngư trường xa từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, nhưng tất cả các phương tiện đều liên lạc được với đất liền, nắm được vị trí, hướng di chuyển của bão số 7. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP Ðà Nẵng yêu cầu các cơ quan chức năng tìm mọi biện pháp thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm được xác định là bắc vĩ tuyến 15 nhất là các vùng đông bắc Biển Ðông và tây bắc của Vịnh Bắc Bộ.
Ngày 13-8, Trung tâm PCLB khu vực miền trung – Tây Nguyên cho biết, vẫn chưa tìm thấy ngư dân Bành Quang Mươi (thường trú tại Hoài Nhơn, Bình Ðịnh) sau nhiều giờ mất tích trên biển.
Trước đó, vào ngày 12-8, ông Mươi hành nghề trên tàu cá đã bị rơi xuống biển.
Do ảnh hưởng của gió mùa tây nam trên địa bàn huyện Krông Nô, tỉnh Ðác Nông có mưa vừa đến mưa to và rất to làm ngập úng hơn 70 ha ngô, lúa và nhiều diện tích cây trồng khác. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã cử cán bộ kỹ thuật xuống phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giúp nhân dân phòng, chống ngập lụt, thống kê thiệt hại để kịp thời hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại nặng.
Từ đầu năm đến nay tại tỉnh Hậu Giang xảy ra 36 vụ sạt lở ven sông, tăng gấp ba lần so với năm 2012. Hiện tiếp tục có hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, đe dọa đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng tập trung công tác phòng, chống sạt lở đất, giúp nhân dân ổn định đời sống.
* Ngày 13-8, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, vào hồi 5 giờ ngày 12-8, Vietnam MRCC nhận được tin báo từ tàu LPG Pa-zi-phich ở vị trí tọa độ 10-49 độ vĩ bắc, 111-10 độ kinh đông, cách Vũng Tàu khoảng 240 hải lý về phía đông. Trên tàu có thuyền viên tên I-go, sinh năm 1986, được chẩn đoán đau ruột thừa. Trước nguy cơ ảnh hưởng tính mạng của thuyền viên, Vietnam MRCC đã liên lạc với thuyền trưởng tàu để tư vấn y tế, hướng dẫn tàu chạy về Vũng Tàu, đồng thời điều động tàu SAR 413 ra cứu nạn nhân. Ðến 1 giờ 25 phút ngày 13-8, tàu SAR 413 đã tiếp cận tàu LPG Pa-zi-phich và chuyển nạn nhân lên tàu SAR 413, chăm sóc y tế và hành trình về bờ. Ðến 3 giờ 10 phút cùng ngày, tàu SAR 413 đã cập bến, bàn giao người bệnh cho cơ quan chức năng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()