Bão số 2 làm nhiều tàu cá bị chìm
Phun thuốc khử trùng tiêu độc cho trâu tại tỉnh Bắc Cạn. Ảnh: AN THÀNH Hơn 1.000 ha lúa, hoa màu ở Gia Lai bị ngập úng * Đồng Nai huy động mọi lực lượng dập dịch lợn tai xanhTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 19-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 116,4 độ kinh đông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 280 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 22 giờ ngày 20-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 25,2 độ vĩ bắc; 120,2 độ kinh đông, trên vùng eo biển Đài Loan - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ...
Phun thuốc khử trùng tiêu độc cho trâu tại tỉnh Bắc Cạn. Ảnh: AN THÀNH |
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ ngày 19-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 116,4 độ kinh đông, cách Hồng Công (Trung Quốc) khoảng 280 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 – 25 km. Đến 22 giờ ngày 20-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 25,2 độ vĩ bắc; 120,2 độ kinh đông, trên vùng eo biển Đài Loan – Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 – 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 – 30 km. Đến 22 giờ ngày 21-6, vị trí tâm bão ở vào khoảng 29,4 độ vĩ bắc; 125,4 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo bão tiếp tục di chuyển theo hướng đông bắc mỗi giờ đi được khoảng 25 – 30 km.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Sáng 19-6, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên báo cáo nhanh về ảnh hưởng của bão số 2 trên Biển Đông, do thời tiết xấu trên biển, nhiều tàu cá bị đánh chìm. Tại Quảng Ngãi, tàu QNg 94095 TS do ông Võ Công Tính (1976) làm thuyền trưởng, trên tàu có sáu lao động, bị chìm tàu lúc 19 giờ ngày 16-6, toàn bộ sáu thuyền viên trên tàu đã được một tàu cá khác cứu. Tàu QNg 48818 TS của ông Châu Hùng Binh (quê xã Phổ An, Đức Phổ, Quảng Ngãi) có tám lao động, bị sóng lớn đánh chìm ngày 17-6 và cũng được một tàu cá khác cứu… Tại Bình Định, tàu cá BĐ 95289 TS của ông Vũ Văn Vinh có 10 lao động, bị vỡ vỏ, hỏng nặng. Đến 15 giờ cùng ngày, được tàu BĐ 51069 TS lai dắt vào bờ. Tại Quảng Bình, tàu cá QB 92109 TS với bảy lao động bị mất liên lạc lúc 19 giờ 30 phút ngày 16-6. Cục Cứu hộ, cứu nạn đã điều tàu SAR đi tìm kiếm, hiện nay vẫn chưa có thông tin… Tại Đà Nẵng, tàu cá ĐNa 90538 với tám lao động bị nạn ngày 16-6, đến 20 giờ 30 phút ngày 17-6 tàu SAR 274 đã cứu kéo tàu bị nạn về đến Đà Nẵng an toàn. Tại Quảng Nam, tàu cá QNa 91594 với 12 lao động bị hỏng máy trôi dạt lúc 10 giờ 30 phút ngày 17-6. Tàu cứu hộ của Cảnh sát biển vùng II (cảng Kỳ Hà) đã xuất phát đi cứu nạn.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, đến 17-6, toàn huyện Vĩnh Cửu có 849 lợn mắc bệnh trên tổng đàn 1.970 con của 61 hộ. Số lợn chết và tiêu hủy là 242 con với trọng lượng hơn 10 tấn. Để chủ động phòng, chống dịch, tỉnh cần nhanh chóng tăng cường công tác tiêm phòng dịch tai xanh, kiểm soát vận chuyển, giết mổ… Lo ngại nguy cơ bùng phát dịch, ảnh hưởng tới đàn lợn khoảng 1,2 triệu con của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tỉnh huy động mọi lực lượng bao vây dập dịch trong vòng 15 ngày tới. Đồng thời chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI phối hợp với tỉnh điều tra một loại vắc-xin mới phòng, chống bệnh tai xanh đang được chào bán tại địa phương và kịp thời báo cáo Bộ.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Gia Lai, do ảnh hưởng của bão số 2, từ ngày 16-6 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, kèm theo gió mạnh đã gây thiệt hại tại một số địa phương. Tại huyện Đác Đoa, mưa lớn đã gây ngập úng 667 ha lúa vụ mùa, gió quật đổ 1.000 trụ tiêu trồng mới; tại thành phố Plây Cu ngập úng 861 ha lúa và hoa màu, 56 căn nhà dân bị ngập, tốc mái, hư hỏng… Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, do ảnh hưởng của bão số 2 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục có mưa nhiều nơi, cá biệt một số nơi mưa to. Vì vậy, các cấp chính quyền và bà con cần chủ động đề phòng lụt tại các vùng trũng thấp.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đác Lắc xảy ra 800 vụ vi phạm tài nguyên rừng, trong đó có 33 ha rừng bị phá trái phép, tịch thu hơn 1.520 m3 gỗ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm tài nguyên rừng tăng hơn 100 vụ. Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, vi phạm tài nguyên rừng vẫn diễn biến phức tạp.
Trong tháng 6-2012, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt bổ sung 95 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa và tiếp tục hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 470 tàu với số tiền hỗ trợ gần 29 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ lên 383,5 tỷ đồng.
Phê duyệt kết quả đàm phán dự án nguồn lợi ven biển
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kết quả đàm phán và ủy quyền cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, ký Hiệp định Tài trợ và các văn bản liên quan cho dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính cho dự án. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND 8 tỉnh tham gia dự án: Cà Mau, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa hoàn tất các điều kiện hiệu lực để Hiệp định tài trợ sớm có hiệu lực thực hiện. Mục tiêu của dự án là nâng cao việc quản lý nguồn lợi ven biển nhằm hỗ trợ cho nghề cá bền vững tại một số tỉnh ven biển Việt Nam. Dự án có thể đạt được thông qua tăng cường năng lực thể chế nhằm quản lý nguồn lợi một cách bền vững hỗ trợ ngành thủy sản; đẩy mạnh các thực hành tốt cho nuôi trồng thủy sản bền vững; thực hiện các thực hành tốt cho khai thác thủy sản ven bờ bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()