Bão số 12 đe dọa các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi
* Hơn 74 nghìn tàu, thuyền đã di chuyển tránh bão * Sa Pa rét dưới 10o C
* Hơn 74 nghìn tàu, thuyền đã di chuyển tránh bão * Sa Pa rét dưới 10o C
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, hồi 22 giờ hôm qua, 2-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc; 114,9 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ hôm nay, 3-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ vĩ bắc; 112,4 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế – Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 22 giờ ngày 4-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 108 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi và Kon Tum. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây tây nam và tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Ðông có gió mạnh cấp 10, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Từ sáng nay 3-11, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ sáng mai 4-11, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư, không khí lạnh ảnh hưởng đến miền bắc suy yếu dần. Tuy nhiên, một số địa phương vùng núi đêm và sáng sớm trời rét đậm, rét hại. Cụ thể, Mù Cang Chải (Yên Bái) giảm tới 12,5oC. Sìn Hồ (Lai Châu) rét hơn 10,2oC; Sa Pa (Lào Cai) rét nhất xuống còn 9,7oC.
Sáng 2-11, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư có Công điện số 82/CÐ-T.Ư gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các bộ, ngành chức năng yêu cầu: Thông báo cho chủ tàu, thuyền trên biển chủ động phòng tránh bão, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu. Cũng trong sáng 2-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư họp để đánh giá tình hình và chỉ đạo ứng phó bão số 12 và yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng, chống bão. Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,tính đến 6 giờ ngày 2-11 đã thông báo,kiểm đếm, hướng dẫn cho 74.405 phương tiện/363.638 lao động biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Ðể đối phó với bão số 12, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 yêu cầu các địa phương đơn vị tăng cường trực chỉ huy 24/24 giờ; cử ba đoàn công tác đi kiểm tra các địa phương, đơn vị, các hồ đập, khu vực nguy hiểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để có biện pháp di dời đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp các địa phương, đơn vị tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Ðồng thời thông báo cho ngư dân và các trạm kiểm soát biên phòng nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống bão số 12. Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ đang tập trung kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú bão, hướng dẫn ngư dân đưa tàu, thuyền vào khu neo đậu an toàn. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đã kêu gọi được gần 1.800 tàu, thuyền vào bờ trú ẩn. Hiện, còn tám phương tiện với 66 lao động đang vào bờ tránh trú. Ngoài ra, các địa phương đã rà soát, chuẩn bị sẵn hướng dẫn và hỗ trợ dân cư vùng hạ du các hồ chứa nước chủ động đối phó trong trường hợp xả lũ khẩn cấp. Ban An toàn giao thông tỉnh cũng tích cực chấn chỉnh hoạt động các bến đò ngang chở khách trong mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 99 bến thủy nội địa; trong đó một nửa là các bến đò ngang chở khách, bến thuyền khách du lịch, nhưng chỉ có 20 bến được cấp giấy phép hoạt động. Tại Bình Ðịnh, đến sáng 2-11, còn 512 tàu với hơn 3.900 lao động đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin của bão, chủ động tìm nơi trú tránh. Tại Phú Yên, còn 196 tàu, thuyền với hơn 1.000 lao động đang hoạt động trên biển, đang chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã kêu gọi, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vũng Rô và Xuân Ðài di chuyền lồng bè vào nơi kín gió.
Trao tàu cá tặng ngư dân
Sáng 2-11, tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ðài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh tổ chức trao tàu cá cho ngư dân Ðinh Văn Giàu ở xã An Hải, huyện Lý Sơn. Ðồng thời, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tặng 90 máy dò cá, máy thông tin liên lạc tầm xa cho ngư dân các nghiệp đoàn nghề cá huyện Lý Sơn với tổng kinh phí hai tỷ đồng.
Tàu thuyền về neo đậu an toàn tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) để tránh bão số 12.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()