Bão số 10 làm 9 người chết, 4 người mất tích
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai sáng 17/9, tính đến 22h ngày 16/9, ảnh hưởng của mưa bão số 10 đã làm 9 người chết (tăng 5 người); 4 người mất tích, 112 người bị thương (tăng 91 người) so với báo cáo nhanh ngày 16/9.
1.185 nhà sập và nhiều diện tích hoa màu bị ngập
Về tài sản, mưa bão số 10 đã làm 1.185 nhà bị sập, tăng 1.152 nhà (Thanh Hóa 48 nhà; Quảng Bình 1.065 nhà; Quảng Trị 18 nhà; Thừa Thiên – Huế 54 nhà); 152.599 nhà bị tốc mái, hư hỏng (tăng 31.310 nhà); 10.923 nhà bị ngập (tăng 4.652 nhà). Đến nay nước đã rút. Về truyền thông và lưới điện, 1 cột truyền hình bị đổ tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; 1.559 cột điện hạ thế bị đổ gãy (tăng 417 cột); tổng số khách hàng bị mất điện là 528.481, giảm 778.519 khách hàng.
Ảnh hưởng của mưa bão số 10 cũng đã làm 7 tàu cá (công suất trên 20CV) bị chìm (Thanh Hóa 1; Quảng Ngãi 6); 183 thuyền nhỏ bị chìm, cuốn trôi. 29 sự cố xảy ra ở đê biển.
Về nông nghiệp, lâm nghiệp, lúa bị ngập 4.473 ha (Hòa Bình 50ha; Vĩnh Phúc 6,38ha; Hải Phòng 130ha; Thái Bình 1.000ha; Thanh Hóa 1.858ha; Nghệ An 380ha; Hà Tĩnh 1.000ha; Quảng Trị 49ha). Hoa màu bị ngập 8.277 ha, tăng 6.037ha; 16.239ha cây trồng lâu năm bị gãy đổ, giảm năng suất; 16.108 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Về giao thông, 10.000m đường quốc lộ; 17.944m đường giao thông địa phương; 5 cầu, 16 cống bị sạt lở, hư hỏng. Về thủy lợi, 26.620m kênh mương bị sạt lở (Thanh Hóa: 90m; Nghệ An: 8.500m; Quảng Trị: 9.500m; T.T. Huế: 30m); 10 đập thủy lợi loại nhỏ bị sạt lở, hư hỏng (Nghệ An).
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10
Chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão, ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường và đại diện một số bộ, ngành chức năng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10 và mưa lũ tại các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Ngày 16/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng – Phó Trưởng ban thường trực Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Thanh Hóa, Nam Định.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến 15h ngày 16/9 đã cấp điện trở lại cho một số khu vực bị ảnh hưởng nặng gồm: TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; khu vực trung tâm các thành phố, huyện của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh (12/13 trung tâm huyện, còn lại huyện Kỳ Anh). Cụ thể, cấp điện cho 779.840/1.318.321 khách hàng, đồng thời đã khắc phục 5.381/9.204 trạm biến áp.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đã huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích; khôi phục hệ thống điện, thông tin liên lạc; sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, đê điều bị sạt lở và hư hỏng; giúp người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường.
Các tỉnh Bắc Bộ vận hành công trình thủy lợi tiêu nước với 979 máy bơm/221 trạm để tiêu nước chống úng ngập. Tình hình ngập lụt tại các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng của bão số 10 đến ngày 16/9 đã cơ bản chấm dứt. Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam đã thông tuyến sáng ngày 16/9.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 10 cần tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết. Huy động các lực lượng khôi phục hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc để phục vụ dân sinh và sản xuất.
Tiếp tục tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống, vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh; sửa chữa trường học, cơ sở hạ tầng; kịp thời hỗ trợ các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, cơ số thuốc cần thiết để sớm ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất.
Huy động lực lượng khẩn trương xử lý các sự cố về đê điều thủy lợi và các cơ sở hạ tầng khác để sẵn sàng ứng phó với những đợt mưa, lũ tiếp theo; tiếp tục kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó.
Các lực lượng quản lý hồ chứa, đê điều theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, nhất là tại những trọng điểm xung yếu đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn công trình./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()