"Bạo lực kinh tế" trong đại dịch
Các ngân hàng trung ương đã đồng loạt bơm hàng chục nghìn tỷ USD vào các thị trường tài chính trong hơn hai năm qua, nhằm kích thích “sức đề kháng” của nền kinh tế thế giới trong “cơn bạo bệnh” mang tên Covid-19. Song, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng trên hành trình phục hồi đang phơi bày nhiều rủi ro đối với sự ổn định kinh tế-xã hội toàn cầu.
Tổ chức Oxfam (có trụ sở tại Anh) mới công bố một báo cáo đáng lo ngại về những mảng tối của đại dịch, chỉ rõ tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, giới tính và sắc tộc, hay chênh lệch giữa các quốc gia tiếp tục gia tăng. Tài sản của 10 người giàu nhất, trong nhóm chiếm 1% dân số thế giới, đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi thu nhập của nhóm 99% dân số còn lại giảm mạnh và hơn 160 triệu người bị đẩy xuống mức nghèo khổ. Tổng tài sản của các tỷ phú, khoảng 5.000 tỷ USD, tăng với mức nhanh nhất trong lịch sử. Đồng thời, nhóm 1% này chịu trách nhiệm về lượng carbon phát thải nhiều hơn gấp đôi so với nhóm người nghèo nhất chiếm 50% dân số của thế giới. Đó là những yếu tố chính “góp phần” tạo ra một thế giới ngày càng bị chia rẽ.
Theo Tổng Giám đốc Oxfam Gabriela Bucher (G.Bu-sê), bất bình đẳng cực độ là một dạng “bạo lực kinh tế”, xảy ra khi các lựa chọn chính sách được đưa ra có lợi cho những người giàu nhất và quyền lực nhất. Cùng với những gói kích thích liên tiếp chảy vào thị trường tài chính và có lợi cho nhóm người giàu, các chính phủ giàu có còn cho phép các tỷ phú và các tập đoàn dược phẩm được độc quyền công nghệ vắc-xin, hạn chế nguồn cung với hàng tỷ người.
Báo cáo nêu trên nhấn mạnh, sự bất bình đẳng gây ra tổn hại trực tiếp cho xã hội, đặc biệt đối với nhóm người nghèo, phụ nữ và trẻ em gái… Theo ước tính của Oxfam, bất bình đẳng đang gây ra cái chết của hơn 21.000 người mỗi ngày, hay cứ bốn giây trên thế giới lại có một người chết do không được tiếp cận với dịch vụ y tế, chịu bạo lực giới, nạn đói và hệ lụy của biến đổi khí hậu.
Báo cáo ước tính, phụ nữ đã mất tổng cộng 800 tỷ USD thu nhập vào năm 2020; 13 triệu phụ nữ được làm việc ít hơn so năm 2019, trong khi 252 nam giới đang nắm nhiều tài sản hơn cả 1 tỷ phụ nữ và trẻ em gái ở châu Phi, Mỹ Latin và Caribe cộng lại. Đại dịch cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhóm người bị phân biệt chủng tộc. Trong đợt đại dịch ở Anh, những người gốc Bangladesh có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gấp hơn năm lần so với người Anh bản địa; còn ở Brazil, người da mầu có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao gấp 1,5 lần người da trắng.
Bất bình đẳng giữa các quốc gia cũng được dự báo sẽ gia tăng lần đầu sau hàng chục năm. Các nước đang phát triển vẫn chưa thể tiếp cận đủ vắc-xin do sự độc quyền của các tập đoàn dược phẩm, giờ phải đối mặt triển vọng khó khăn của các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi tiêu xã hội khi mức nợ công tăng cao, có nguy cơ tụt lại phía sau. Tỷ lệ người nhiễm Covid-19 chết ở các nước đang phát triển cao gần gấp đôi so các nước giàu.
Trong bối cảnh đó, Oxfam kêu gọi cải cách hoàn toàn các nền kinh tế để tập trung hơn vào bình đẳng xã hội, khuyến nghị thay đổi phương pháp tính thuế, đặc biệt đối với khối tài sản các tỷ phú có được trong giai đoạn đại dịch, nhằm tăng nguồn lực xã hội để đầu tư cho y tế cộng đồng, cũng như các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Theo người đứng đầu Oxfam, thế giới không thiếu tiền mà chỉ thiếu sự can đảm và cần quyết liệt trong những chính sách bảo vệ người lao động, hướng tới xóa bỏ bạo lực giới và phân biệt đối xử, để bất bình đẳng không còn là nguyên nhân gây chết người.
Ý kiến ()