Thứ 7, 23/11/2024 18:56 [(GMT +7)]
Bạo lực học đường - nhìn từ góc độ văn hóa và giáo dục
Thứ 5, 24/06/2010 | 09:13:00 [(GMT +7)] A A
Thời gian gần đây, nhiều vấn đề liên quan văn hóa học đường, đến chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường được dư luận xã hội hết sức quan tâm, trong đó “bạo lực học đường” là tiêu điểm gây sốc không chỉ với phụ huynh, nhà giáo mà còn với lãnh đạo các cấp.
Có nhiều luồng ý kiến bàn luận dưới các góc độ khác nhau (tâm lý, xã hội, pháp luật, đạo đức, văn hóa, giáo dục…). Dưới đây, chúng tôi xin đề cập vấn đề “bạo lực học đường” từ hai góc độ: văn hóa và giáo dục.
Bạo lực học đường và hậu quả của nó
Bạo lực học đường là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi mang tính miệt thị, đe dọa, khủng bố người khác (thường xảy ra giữa trò với trò, giữa thầy với trò hoặc ngược lại), để lại thương tích trên cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt là gây tổn thương đến tư tưởng, tình cảm, tạo cú sốc về tâm sinh lý cho những đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục trong nhà trường, cũng như đối với những ai quan tâm tới sự nghiệp giáo dục.
Xét từ góc độ văn hóa thì bạo lực học đường là một hiện tượng phản văn hóa, thể hiện lối ứng xử theo kiểu luật rừng, coi thường luật pháp, bỏ qua nội quy trường học, đi ngược lại và làm “hoen ố” những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội, trong nhà trường.
Xét từ góc độ giáo dục thì bạo lực học đường là sự phản ánh kết quả giáo dục không được như mong muốn, là thước đo gián tiếp cho thấy hiệu quả và chất lượng ngược chiều với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống theo chuẩn mực văn hóa.
Hành vi của Quản Thị Kim Hoa (ở một cơ sở nuôi dạy trẻ tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) tát vào mặt trẻ, túm tóc giật ngửa đầu trẻ để nhồi cơm và thức ăn vào miệng trẻ đã phản ánh tính thô bạo, thiếu tính sư phạm, chẳng khác nào lối ứng xử với một con vật. Hành vi như vậy gây ra sự hoảng loạn tâm thần của trẻ – mỗi khi nhìn thấy Hoa cầm thìa, cầm bát, chắc chắn như một phản xạ có điều kiện, đứa trẻ sẽ co rúm người lại; trong ký ức của bé thì những ngày đến “lớp” sẽ là những ngày khủng khiếp, bé sẽ không còn muốn đi học trong quãng đời tiếp theo.
Hành vi đánh hội đồng của một nhóm học trò nữ (trường THPT Trần Nhân Tông, TP Hà Nội), đã phác hoạ “chân dung” phản cảm ngược hoàn toàn với hình ảnh những nữ sinh áo trắng, tâm hồn thơ mộng, tình bạn bè thân thiết. Kẻ đầu têu thì dùng guốc nhọn gót đánh bạn, còn những đồng lõa thì vây quanh vào hùa và cổ vũ, lại còn đem điện thoại để ghi lại “diễn biến cuộc chiến” như một minh chứng cho “sức mạnh” của lối ứng xử, cách giải quyết xung đột theo kiểu “quần ngư” săn mồi. Cảnh ấy gây phấn khích cho kẻ chủ mưu, nhưng sẽ để lại thương tích cho “nạn nhân”, vô hình dung gieo mầm nuôi chí “rửa hận” và biết đâu vào một ngày xấu trời nào đó người bị hại lại sẽ báo oán cũng theo kiểu bạo lực kinh hoàng hơn.
Những thí dụ nêu trên, cũng như nhiều sự việc mang tính chất bạo lực học đường đã được phản ánh qua các kênh thông tin đại chúng trong thời gian gần đây tuy không phải là dòng chảy chủ đạo của văn hóa học đường, song dầu sao cũng gây nhiều lo ngại cho xã hội. Bởi vì bạo lực học đường đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cái gọi là “thứ ba học trò” (không còn là trò chơi nghịch ngợm, ngộ nghĩnh, không chỉ diễn ra với “nam thanh” mà còn lan mạnh trong “nữ tú”). Thực trạng bạo lực học đường đã khiến cho bức tranh giáo dục không còn được tinh khiết như bản chất của nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa; so với thời kỳ kháng chiến và trước đổi mới, thì giáo dục nước ta hiện nay đúng là đang thiên về “dạy chữ” một cách thái quá, còn phần “dạy người” chưa đúng với mục tiêu đề ra. Nếu không kịp thời khắc phục vấn nạn bạo lực học đường thì chắc chắn hậu quả của nó không thể lường trước được.
Một số giải pháp khắc phục
Thứ nhất, những giải pháp từ góc độ văn hóa. Mỗi công dân dù đã ở tuổi trưởng thành hay còn niên thiếu thì đều phải có trách nhiệm xây dựng nền văn hóa dân tộc, sự thể hiện trách nhiệm ấy phải được cụ thể bằng hành vi ứng xử mang phong cách văn hóa, hòa thuận, thân thiện, đoàn kết, tương thân tương ái. Mọi sự bất đồng chính kiến cũng như mọi sự va chạm lợi ích cá nhân, cộng đồng đều phải giải quyết trên nguyên tắc bình đẳng, có lý, có tình, thông qua đối thoại thẳng thắn, lấy đạo lý và pháp luật làm cơ sở.
Ban Tuyên giáo các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội, nhất là các trường phổ thông (gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”), làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh nhận thức được trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa học đường. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần chỉ đạo sâu sát cơ sở đoàn – đội trong các trường học ở địa phương, tổ chức những hoạt động chuyên đề có nội dung văn hóa học đường nhằm làm cho mỗi học sinh chuyển biến nhận thức, tự điều chỉnh hành vi, coi việc đẩy lùi nạn bạo lực học đường là một nhiệm vụ cấp thiết của người đoàn viên, thanh niên, thiếu niên.
Thứ hai, những giải pháp từ góc độ giáo dục. Giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh các trường phổ thông là một quá trình diễn ra các hoạt động sư phạm có mục đích, có nội dung và phương pháp không giống như dạy kiến thức văn hóa qua các môn học. Chẳng hạn, học sinh có thể học thuộc lòng những định nghĩa, khái niệm, công thức ở sách giáo khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh… rồi vận dụng vào giải các dạng bài tập qua nhiều lần, với nhiều dạng khác nhau, dần dần học sinh có thể thành thạo, có kỹ năng để trở thành một học sinh giỏi những môn học đó. Nhưng với giáo dục đạo đức, lối sống thì hoàn toàn ngược lại, học sinh phải biết lắng nghe lời giảng giải của giáo viên, vận dụng những triết lý, những bài học kinh nghiệm từ sách giáo khoa, từ cuộc sống để thực hành trong đời sống hằng ngày. Tại Thông báo số 242-TB/T.Ư, Bộ Chính trị (khóa X) đã chỉ rõ: “Cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Đảng”. Đây là quan điểm chỉ đạo mà các cấp quản lý ngành giáo dục, nhất là các nhà trường phổ thông cần phải quán triệt sâu sắc để thật sự đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, nhất là trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Trong nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông cần quan tâm đúng mức tới những môn khoa học xã hội và nhân văn, những chuyên đề có thể lồng ghép giáo dục đạo đức học sinh. Dành thời lượng thỏa đáng để tổ chức cho học sinh được thụ hưởng các tác phẩm nghệ thuật, thi ca, điện ảnh giàu tính tư tưởng, đậm tính nhân văn, hướng thế hệ trẻ vào những giá trị căn bản để làm người và sống ở đời cho có nghĩa có tình, có lý trí.
Kinh nghiệm từ những nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy, họ rất coi trọng giáo dục cho trẻ từ mầm non tới học sinh phổ thông những hiểu biết sơ giản làm nền cho đạo đức công dân. Họ dành khá nhiều thời lượng đối với việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục cách ứng xử thân thiện với bạn, với môi trường chung quanh. Trong nhà trường của họ, các bài học giáo dục đạo đức, lối sống được biểu đạt bởi những ngôn từ khá mềm dẻo, gần với cuộc sống; thường tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ, tìm tòi và đưa ra phương án xử lý những vấn đề hiện đang xảy ra trong cuộc sống, do vậy học sinh được đưa vào môi trường tự giáo dục, tự rèn luyện. Ở nước ta cũng đã bắt đầu có những học hỏi, thể nghiệm cách làm như vậy, song rất đáng tiếc học sinh lại phải tập trung giải Toán, làm Văn, học tiếng Anh nên không còn thời gian để dành cho những hoạt động này.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()